Là “điểm sáng” trong việc nâng cao vị thế phụ nữ DTTS, huyện Tân Sơn tạo điều kiện cho phụ nữ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong lao động, làm chủ kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã triển khai thành lập nhóm sinh kế “Nuôi ong lấy mật” với 13 thành viên. Hội đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể giúp nhóm sinh kế nuôi ong mở rộng quy mô, tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn cho thành viên, hội viên về đặc điểm sinh học của ong mật, ý nghĩa của nghề nuôi ong, đời sống và tổ chức đàn ong, kỹ thuật nuôi ong hiện đại… Qua đó, sản phẩm mật ong Mường Vác của nhóm sinh kế xã Mỹ Thuận đã đạt OCOP 3 sao vào tháng 11/2024, góp phần ổn định kinh tế cho chị em phụ nữ xã.
Sản phẩm mật ong Mường Vác của nhóm sinh kế “Nuôi ong lấy mật” xã Mỹ Thuận.
Bà Hoàng Thị Thơm, Nhóm trưởng nhóm sinh kế “Nuôi ong lấy mật” xã Mỹ Thuận chia sẻ: “Đến nay, mỗi thành viên thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng, đời sống của chị em trong tổ đã ngày càng khá giả. Một số hộ xây được nhà cửa khang trang và mua sắm được các thiết bị, phương tiện phục vụ đời sống, tạo tiền đề giúp gia đình hạnh phúc hơn”.
Nhóm sinh kế “Nuôi ong lấy mật” là một trong 3 tổ, nhóm sinh kế, bao gồm: Chế biến chè tại khu Bông 1, xã Long Cốc; tổ liên kết nấu rượu mem lá tại khu Ú, xã Thu Cúc. Chương trình nằm trong Dự án 8 của Hội LHPN huyện. Để thực hiện hiệu quả chương trình, Hội đã tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường, tập trung vào các hoạt động: Xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc; giới thiệu và hỗ trợ kết nối thanh toán điện tử; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho tổ nhóm; đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch điện tử,… nhằm giúp hội viên phụ nữ nâng cao năng lực trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm, làm quen với chuyển đổi số trong quản lý, vận hành các mô hình kinh tế tập thể, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hoá.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn hướng dẫn thành viên tổ truyền thông cộng đồng khu Mỹ Á, xã Thu Cúc về một số kỹ năng tuyên truyền.
Triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN huyện không chỉ chú trọng hỗ trợ sinh kế mà còn thúc đẩy phong trào thi đua như “Xây dựng người Phụ nữ Đất Tổ thân thiện, nhân ái, đoàn kết, hội nhập, phát triển”, “Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam”, “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cùng 2 cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”…
Bên cạnh đó, Hội đã chỉ đạo ra mắt 2 tổ liên kết “Trồng rau bản địa” tại Xuân Đài và Đồng Sơn, hỗ trợ 3 triệu đồng/tổ liên kết; phối hợp với Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tỉnh giải ngân hỗ trợ 2 mô hình sinh kế “Nuôi gà nhiều cựa” với số tiền là 30 triệu đồng/mô hình và hỗ trợ mô hình “Nuôi vịt suối” cho 10 hộ gia đình tại xã Mỹ Thuận, Thu Cúc với số tiền 40 triệu đồng.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn Đinh Thị Thu Hiền cho biết: “Nâng cao vị thế, vai trò và quyền năng của người phụ nữ tại gia đình cũng như trong đời sống luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN huyện. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, Hội đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình xây dựng năng lực phát triển kinh tế, nâng cao kỹ năng sản xuất nông nghiệp cho hội viên và thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS”.
Một trong những điểm nhấn hoạt động của Hội LHPN huyện là việc tổ chức 24 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo cấp uỷ với 1.260 hội viên và Nhân dân tại 16/17 xã của huyện nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ, cùng với đó là các chiến dịch như: Phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em, kỹ năng phòng vệ an toàn cho trẻ em… thu hút gần 2.000 phụ nữ và trẻ em tham gia.
Các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường THCS Kiệt Sơn, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn tham gia hoạt động trong lễ ra mắt CLB.
Đến nay, Hội đã ra mắt 68 tổ truyền thông cộng đồng tại 17/17 xã; 12 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đây là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền vận động người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại đã và đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em.
Hội tiếp tục duy trì và phát triển nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tại các xã, tổ liên kết với tổng dư nợ hơn 8 tỷ đồng, giúp hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay tài chính để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Những nỗ lực trên đã thể hiện sự quyết tâm của Hội LHPN huyện, giúp phụ nữ DTTS tự tin khẳng định giá trị bản thân trong cộng đồng.
Quốc An
Nguồn: https://baophutho.vn/nang-cao-vi-the-phu-nu-dan-toc-thieu-so-225569.htm