Tháng hành động Quốc gia về Dân số (1/12-31/12) và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 được phát động trên cả nước với chủ đề: Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc. Mục đích của Tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sức khoẻ, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng dân số đối với sự phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Mít tinh hưởng ứng Ngày dân số thế giới 11/7.
Đây cũng là dịp để tăng cường sự tham gia phối hợp đồng bộ, tích cực trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương chính sách về dân số của Đảng và Nhà nước và thực hiện các mục tiêu Chiến lược Dân số đến năm 2030. Nhân dịp này, Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Việt Phương – Chi Cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh về nội dung này.
Phóng viên: Năm 2024, vượt qua những khó khăn, trở ngại chung, toàn ngành đã có nỗ lực đáng ghi nhận thể hiện qua những kết quả nổi bật nào thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Việt Phương: Năm 2024, công tác dân số của tỉnh thực hiện trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới sau gần 7 năm thực hiện đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về quan điểm, nhận thức, hành động và kết quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số- kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ Y tế, Cục Dân số, Tỉnh Ủy-HĐND-UBND tỉnh, Sở Y tế, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể, sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân. Tâm lý, nhận thức người dân liên quan đến các hành vi dân số đã có chuyển biến tích cực. Bộ máy làm công tác dân số của tỉnh cơ bản ổn định và hoạt động có nền nếp, hiệu quả.
Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, công tác dân số của tỉnh đã nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả hết sức quan trọng trong năm 2024. Nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục được ban hành và thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cơ chế, chính sách về dân số được triển khai đúng kế hoạch. Công tác dân số hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ trên cả 3 mặt: Quy mô dân số, cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số. Mức sinh giảm mạnh, tình trạng sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số được cải thiện; kìm hãm hiệu quả đà tăng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh hiện nay, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được mở rộng nhằm từng bước thích ứng với già hóa dân số.
Cùng với những thuận lợi, công tác dân số của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, thách thức: Phú Thọ là tỉnh có quy mô dân số lớn, đứng thứ 20 cả nước; mật độ dân số cao, đứng thứ 25 cả nước; mức sinh còn cao. Nhận thức của một bộ phận Nhân dân về thực hiện chính sách dân số vẫn còn hạn chế, trong đó đặc biệt là tư tưởng sinh nhiều con và phải sinh được con trai để nối dõi tông đường, dòng họ. Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng, diễn biến không ổn định, nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt sẽ gây nhiều hệ lụy cho sự phát triển bền vững. Chất lượng dân số còn hạn chế, tình trạng trẻ em thừa cân, rối nhiễu tâm trí, tự kỷ những năm gần đây có xu hướng tăng. Tầm vóc, thể lực và sức bền của người dân chậm được cải thiện, tuổi thọ bình quân cao nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả việc triển khai các đề án, kế hoạch, mô hình thực hiện công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh trong năm 2024?
Đồng chí Nguyễn Việt Phương: Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch thực hiện các chương trình đến năm 2030 của UBND tỉnh, bao gồm: Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Phú Thọ thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; chương trình truyền thông dân số; chương trình điều chỉnh mức sinh; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030; củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số; thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025. Năm 2024 việc triển khai các đề án, kế hoạch, mô hình đều đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch.
Mức sinh giảm mạnh (mức giảm tỷ suất sinh: 0,2‰; tổng tỷ suất sinh khoảng trên 2,2 con). Hết tháng 10, 17.370 trường hợp bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh), đạt 99,2% (kế hoạch 90%); 10.068 trường hợp trẻ em mới sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh), đạt 79,7% (kế hoạch 75%); 212.394 người người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần, đạt 70,54%; 4.389 trường hợp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, đạt 85,2%. Các hoạt động về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đặc biệt là công tác truyền thông, thực hiện các chính sách khuyến khích với phụ nữ và trẻ em gái được triển khai rộng rãi đã kìm hãm hiệu quả mức gia tăng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh đang theo chiều tăng cao hiện nay.
Phóng viên: Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm nay có chủ đề gì và đã được ngành dân số tỉnh triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Việt Phương: Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam năm 2024 được phát động với chủ đề: “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”. Nâng cao chất lượng dân số là một nội dung quan trọng của chiến lược dân số của cả nước, tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới; mục tiêu nhằm: Nâng cao chất lượng dân số, chất lượng con người cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần nhằm phục vụ yêu cầu phát triển đất nước. Vì vậy, đây là một mục tiêu dài hạn và cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, đa ngành.
Các hoạt động chủ yếu được diễn ra trong Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam năm nay trên địa bàn tỉnh được tổ chức với nhiều hình thức từ tỉnh đến cơ sở như: Tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và kênh truyền thông trực tiếp tại cơ sở; trên mạng internet; qua các website, cổng thông tin điện tử của các cơ quan cấp tỉnh; trên các nền tảng mạng xã hội: Zalo, facebook, tiktok…
Nội dung tập trung vào về các vấn đề đang đặt ra đối với chất lượng dân số hiện nay như: Vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn nên đi tư vấn và khám sức khỏe; tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên (VTN/TN), phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh.
Cùng với công tác truyền thông, mạng lưới dịch vụ đặc biệt tuyến cơ sở đã và đang tăng cường việc cung cấp các dịch vụ thường xuyên cũng như tổ chức các chiến dịch cung cấp các dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho mọi người dân khi có nhu cầu.
Học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh tìm hiểu kiến thức nhằm phòng tránh nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông qua hình thức sân khấu hoá.
Phóng viên: Để đảm bảo mục tiêu Nâng cao chất lượng dân số, chất lượng con người cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần nhằm phục vụ yêu cầu phát triển đất nước; xin đồng chí cho biết những giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại trong công tác dân số của tỉnh thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Việt Phương: Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác dân số cần phải tiếp tục làm chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động, kết quả thực hiện việc chuyển chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số/kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Đặc biệt là Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới; Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 22/12/2017 của Tỉnh ủy Phú Thọ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; Kế hoạch số 2516/KH-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Phú Thọ thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội.
Tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, công tác Dân số cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành. Đầu tư kinh phí, ổn định và kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ đủ năng lực cho công tác dân số.
Tăng cường phối hợp liên ngành; phát huy vai trò, huy động sự tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các chính sách về dân số. Đổi mới truyền thông, vận động về dân số tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới; về lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của thực hiện mục tiêu chính sách dân số sinh ít con, thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; có biện pháp đẩy mạnh thực hiện giảm sinh để nhanh chóng đạt mức sinh thay thế. Gắn thực hiện chính sách dân số với xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc; ngăn ngừa có hiệu quả việc lựa chọn giới tính thai nhi; hỗ trợ người lao động trong đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ; bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó giải pháp có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của chương trình là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động rộng khắp tạo ra một phong trào xã hội thực hiện mục tiêu gia đình ít con, chỉ có một hoặc hai con, giầu có, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồng Nhung (thực hiện)
Nguồn: https://baophutho.vn/nang-cao-chat-luong-dan-so-de-dat-nuoc-phon-vinh-gia-dinh-hanh-phuc-225137.htm