Như chúng tôi đã đề cập đến ở kỳ trước, số lượng thầy Mo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay không nhiều, tuổi đã cao, đội ngũ kế cận thiếu nên khó khăn trong công tác truyền dạy… Đây là những trăn trở, thách thức đặt ra trong hành trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Mo Mường.
Người kế nghiệp
Ông Mo là người nắm giữ hồn cốt Mo Mường, có vai trò rất quan trọng trong việc thực hành và gìn giữ, phát huy giá trị của di sản trong cuộc sống đương đại. Dù làm thầy Mo không cần được cấp bằng hay “chứng chỉ” hành nghề trên giấy trắng mực đen. Nhưng để làm được thầy Mo lại không hề đơn giản.
Theo lời ông Rạch: Mặc dù chúng tôi sẵn sàng truyền dạy Mo Mường với tất cả tình yêu và trách nhiệm, nhưng không dễ để tìm kiếm được lớp người kế cận. Bởi, thầy Mo không phải ai cũng làm được, người học phải có tố chất, am hiểu sâu sắc vì phải ghi nhớ một khối lượng câu mo rất lớn, đặc biệt là có đạo đức, uy tín được người dân coi trọng, có đầy đủ đạo cụ, đồ cúng và quan trọng hơn cả là phải có yếu tố “gia truyền” – có dòng dõi làm Mo (các đời cha, chú, ông đã từng làm nghề truyền lại).
Ngay như ông Rạch, dù đã nửa thế kỷ lưu giữ và thực hành Mo Mường, mãi cho đến năm 2023, ông mới tìm được người để truyền dạy là anh Hà Văn Bội – người cháu trong dòng họ.
Anh Bội cho biết: Bản thân tôi cũng mong muốn được làm người kế cận, được tiếp nối, lưu giữ và bảo tồn Mo Mường. Tuy nhiên, việc học làm thầy Mo không phải một sớm, một chiều mà cần có thời gian. 2 năm theo học đến nay tôi mới chỉ học và được thực hành một số một số nghi lễ Mo cơ bản, còn lại vẫn phải do thầy Mo Rạch đảm nhiệm.
Theo số liệu kiểm kê Mo Mường của tỉnh cho thấy, trong số danh sách 31 nghệ nhân Mo Mường, người già nhất đã gần 90 tuổi, người trẻ nhất đã bước qua ngũ tuần điều này càng đặt ra thách thức lớn khi những người lưu giữ, bảo tồn Mo Mường đang dần già hóa. Những thầy Mo mà chúng tôi từng gặp cũng trăn trở về người kế nghiệp, mong muốn tìm được những truyền nhân xứng đáng để trao truyền, tiếp nối lộ trình nắm giữ và thực hành di sản của chính dân tộc mình. Đặc biệt, việc “kén người” làm Mo là lý do khiến lớp trẻ – lực lượng kế cận không thể “ứng tuyển” ồ ạt hay để các cấp, ngành có thể dễ dàng mở lớp học dạy làm thầy Mo được, vì điều này làm mất đi tính linh thiêng và tâm linh của thầy Mo.
Không chỉ là nỗi niềm của những thầy Mo, đây cũng là tâm tư của của đồng bào dân tộc Mường nơi chúng tôi đến. Bà Hà Thị Nguyệt – 60 tuổi, xã Thu Cúc trăn trở: “Cả xã chỉ còn có 3 ông Mo nhưng tuổi đều đã cao. Người Mường chúng tôi, từ một đứa trẻ chào đời, đến khi dựng vợ gả chồng, lúc về già và cả khi về Mường ma đều cần phải có ông Mo. Nếu không sớm có người kế cận thì sau này người Mường chúng tôi biết phải làm sao”.
Qua khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu các tư liệu liên quan đến Mo Mường tại tỉnh Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy: Các thầy Mo đều truyền nghề qua phương thức truyền khẩu vì người Mường không có chữ viết riêng. Các ông Mo đi làm Mo độc lập (không có người phụ giúp, đạo tràng như những nơi khác). Các bài Mo (bài khấn) được lưu truyền từ thế hệ thầy Mo này qua thế hệ thầy Mo sau, quá trình lưu truyền, bảo tồn số lượng câu Mo, bài Mo không còn được đầy đủ như ban đầu và cũng vì yếu tố “truyền miệng” nên không tránh khỏi “tam sao thất bản”.
Quá trình vận động, phát triển của đời sống, cùng sự tiếp biến văn hóa có lẽ cũng khiến cho các hiện vật để thực hiện trong khi làm lễ của các thầy Mo ở mỗi nơi khác nhau. Có thầy Mo chỉ cần 2 đồng xu âm, dương, có người lại dùng nanh hổ, sừng, hòn đá, vòng bạc, kiếm, chiêng, chuông… và hầu hết trang phục của ông Mo đều không còn phổ biến. Sự không đồng nhất trong việc thực hành nghĩ lễ Mo giữa các thầy Mo tại các vùng Mường trên địa bàn tỉnh cũng là khó khăn trong công tác sưu tầm, bảo tồn.
Nỗi niềm người trong cuộc
Lý lịch Di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia do Sở VHTT&DL Phú Thọ thực hiện đã từng đề cập: “Mo Mường ở Phú Thọ trong những thập niên từ 1950 đến 1990 hầu như không được quan tâm, không thực hành đầy đủ các bước trong cộng đồng người Mường. Nguyên nhân do những biến đổi mau chóng về văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước cùng với việc cấm đoán, nhận định Mo gắn liền với mê tín dị đoan nên các hình thức thể hiện Mo Mường rất mờ nhạt. Đa phần tang ma và lễ làm vía của các gia đình chỉ mời ông Mo đến thực hành các nghi thức cúng khấn mà không thực hành diễn xướng Mo”. Ngày nay, chiếu theo nếp sống văn hóa mới, thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang, thầy Mo đã chủ động giản lược trong các nghi lễ Mo cho phù hợp với thời cuộc tuy nhiên đây vừa mang yếu tố tích cực nhưng lại đặt các áng Mo có nguy cơ mai một.
Huyện Yên Lập tổ chức lớp tập huấn truyền dạy về văn hoá Mường cho các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ dân gian trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025, huyện Thanh Sơn đã triển khai Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện giai đoạn 2021–2025; huyện Yên Lập cũng đã triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn tập luyện văn hóa truyền thống của dân tộc Mường như: Diễn xướng dân gian, hướng dẫn làm nhạc cụ, đạo cụ dân tộc phục vụ cho hoạt động tập luyện và biểu diễn cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào Mường tại địa phương. Tuy nhiên các hoạt động này mới chỉ dừng lại ở việc giữ gìn văn hóa đồng bào dân tộc Mường nói chung. Việc đi sâu, tập trung vào Mo Mường – một yếu tố cấu thành nên văn hóa Mường vẫn còn “mờ nhạt” trong công tác bảo tồn.
Thực tế hiện nay, ngành văn hóa vẫn đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản nhưng do ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn lực từ Nhân dân. Trong số lượng các cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về di sản văn hóa Mo Mường của người Mường ở Phú Thọ gần như chưa có.
Đặc biệt, ngay cả nhưng thầy Mo được công nhận hay thầy Mo dân phong thì hiện nay cũng là những người không “bổng lộc”, chưa nhận được nhiều sự quan tâm, họ vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tâm huyết và ý thức gìn giữ vốn quý của đồng bào dân tộc Mường.
Thêm vào đó, chính “thước đo”, tiêu chuẩn đặt ra để công nhận thầy Mo, hay nghệ nhân Mo Mường cũng là một trong những “bất cập”. Năm 2020, tỉnh Hòa Bình phối hợp với Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (đơn vị tư vấn lập hồ sơ) xây dựng Hồ sơ quốc gia Mo Mường Việt Nam đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trong đó, nội dung quan trọng là kiểm kê di sản tại 7 tỉnh trong đó có tỉnh Phú Thọ. Các đơn vị đã xây dựng 7 phiếu kiểm kê đề ra các tiêu chí về Nghệ nhân Mo Mường, tín ngưỡng có tên Mo tại địa phương… Biểu mẫu Viện Âm nhạc đưa ra định nghĩa: “Nghệ nhân Mo Mường là những người có căn số, được người dân địa phương tin tưởng trao cho nhiệm vụ thực hành các nghi lễ tín ngưỡng có tên gọi Mo. Nội dung kê khai gồm truyền thống làm Mo bao nhiêu đời, có bao nhiêu Thánh thư/Thiên thư (sách), số năm làm nghề, số lượng nghi lễ Mo tang ma đã thực hiện, số lượng và tên các róong Mo biết, thuộc và thực hành được, hiện vật trong túi Khót (miêu tả, lý do, câu chuyện xung quanh các hiện vật), số lượng học trò theo học. Nếu chiếu theo các tiêu chí trên thì có thể nhiều vùng Mường trên địa bàn tỉnh sẽ không có nghệ nhân Mo Mường.
Thầy Mo Nguyễn Đình Thưởng làm nghi lễ mo cầu thọ, cầu sức khỏe tại lễ mở cửa rừng của người Mường, huyện Yên Lập.
Thiết nghĩ, có phải là nghịch lý khi những di sản mà cộng đồng đã chấp nhận sự biến đổi của nó trong dòng chảy thời cuộc nhưng các cơ quan quản lý vẫn đang “áp” những tiêu chí mang tính cơ học, mà quên mất những khác biệt về bối cảnh lịch sử, địa lý, con người các địa phương. Đành rằng, đã công nhận thì phải có tiêu chí nhưng chúng ta cần khảo sát thước đo sự tin tưởng của Nhân dân dành cho thầy Mo, lưu tâm đến cả nỗ lực, quá trình, công sức họ đã bỏ ra chăm tưới để “cây” di sản chỉ còn gốc rễ nay lại được “nở hoa”.
Đồng chí Khuất Đình Quân – cán bộ văn hóa xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ quả quyết: Trong tương lai, khi có đợt kiểm kê di sản Mo Mường, chúng tôi sẽ đề nghị ghi tên những thầy cúng có uy tín, cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn Mo Mường tại địa phương trở thành những nghệ nhân Mo Mường”.
Mo Mường với chủ thể là những ông Mo, tượng trưng cho vốn quý báu vô giá mà tổ tiên người Mường truyền lại cho con cháu. Mo Mường đã và đang được quan tâm nhưng vẫn cần nhiều những biện pháp tích cực hơn nữa của ngành văn hóa và các địa phương để Mo Mường được phát huy, lan tỏa xứng đáng với giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và tiến tới di sản văn hóa đại diện Nhân loại được UNESSCO ghi danh.
Thanh Trà – Thu Hương – Thùy Trang
Nguồn: https://baophutho.vn/ky-2-tran-tro-hanh-trinh-bao-ton-di-san-225209.htm