Nạn “chảy máu” cổ vật, mất cắp sắc phong ở một số di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và trên cả nước thời gian qua đã đặt ra câu hỏi về công tác quản lý, bảo quản cổ vật, tư liệu Hán Nôm quý, trong đó có các sắc phong. Số hóa tư liệu Hán Nôm, trong đó có các sắc phong đã được các ban quản lý di tích và chính quyền các địa phương quan tâm. Động thái này không chỉ được kỳ vọng sẽ bảo tồn tốt hơn những tư liệu quý có niên đại hàng trăm năm, mà còn góp phần quảng bá di sản đến với công chúng.
Đoàn công tác của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) giúp phục chế các sắc phong bị rách của Đền Quốc tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (ảnh chụp năm 2021).
“Báu vật” của làng
Trở lại di tích Đền Quốc tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông), đã ba năm kể từ khi 39 đạo sắc phong cùng một số cổ vật trong đền bị kẻ gian lấy cắp, những bô lão trong ban quản lý di tích vẫn đau đáu, trăn trở về số “báu vật” đang thất lạc. Cụ Tạ Đình Hạp – một thành viên ban quản lý di tích cho biết: “Dù đã được cất trong hệ thống két sắt to, hiện đại gồm 2 lần chốt, hệ thống khoá, bảo mật để trong hậu cung của di tích linh thiêng có niên đại trên 2.300 năm mà kẻ gian lại có thể ngang nhiên, táo tợn, phá két sắt lấy đi 39 đạo sắc, 40 quyển sách cổ Hán Nôm, sổ ghi suất đình, địa bạ cổ, 3 chén cổ, 7 đĩa cổ. Thực tình, điều này trước đó chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến”.
Đau xót là vậy, nhưng thật may mắn, trước khi xảy ra vụ trộm vài tháng, xã Dị Nậu được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) hỗ trợ phục chế những chỗ rách, hỏng của các sắc phong tại Đền Quốc tế. Đồng thời, Cục đã chụp lại, phô tô màu các sắc phong, dịch ra chữ Quốc ngữ và đóng thành 2 quyển để lưu giữ. Câu chuyện này đặt ra vấn đề, các di tích chỉ nên trưng bày, lưu truyền bản sao lưu, các hiện vật gốc thì nên được cất giữ ở nơi có đủ điều kiện đảm bảo an toàn, ít người biết.
Huyện Lâm Thao là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Địa bàn huyện hiện nay có 134 di tích thuộc các loại hình văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng và 3 di chỉ khảo cổ. Trong đó, 20 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 35 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tại các di tích, hàng trăm sắc phong, nhiều bộ hoành phi, câu đối, bia đá, chuông, khánh, hàng ngàn trang hương ước, tục lệ, thần tích, thần sắc và các tư liệu Hán Nôm quý.
Về xã Xuân Lũng, thăm Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, dòng họ Nguyễn Tam Sơn vẫn lưu giữ được 10 đạo sắc phong của triều đại Lê Trung Hưng và triều Nguyễn cho vị trung thần hàng “bát bộ kim cương”. Bằng tất cả sự cẩn thận, chỉn chu, ông Nguyễn Trung Mộc – Trưởng Ban gia tộc quản lý Đền thờ mở hộp vỏ đạn B40, lấy ra 10 đạo sắc được bọc kín trong nhiều lớp nilon. Ông Mộc chắc chắn rằng bọc trong vỏ đạn như thế này có ném vào lửa, rơi xuống nước cũng không hề hấn gì.
Trong số 10 sắc phong còn lưu giữ được thì sắc phong cổ nhất là vào năm Vĩnh Thịnh thứ 6 triều vua Lê Dụ Tông năm 1711. Trải qua quãng thời gian gần 400 năm, kinh qua chiến tranh, thiên tai, Nhân dân và dòng họ vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện tâm linh lạ kỳ về các sắc phong. Ông Nguyễn Ngọc Nghi – Chủ tịch dòng họ Tam Sơn Tiết Nghĩa cho biết: “Trận lũ lụt năm 1971 khiến khu vực Đền thờ ngập mênh mông trong biển nước. Cánh cửa, bờ tường đá ong cùng chiếc hộp sắt cất giữ sắc phong cùng ngai, hoành phi trôi đi hết. Thế mà 3 ngày sau, chiếc hộp đựng sắc phong cùng các đồ vật cúng tế lại trôi về vị trí ngôi đền và chính tay tôi đã nhặt lại được”.
Trong hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, số lượng di tích có sắc phong được dịch sang chữ Quốc ngữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chưa kể, dù người được giao nhiệm vụ quản lý đền thờ và gia tộc đã rất chú trọng trong việc lưu giữ các sắc phong nhưng những hạn chế trong kiến thức chuyên môn cũng chỉ đủ để giữ các đạo sắc không bị mối mọt, rách nát. Việc bảo quản “báu vật”, “hồn cốt di tích” được trường tồn với thời gian rất cần sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn và các cấp ngành, chính quyền địa phương.
Các sắc phong tại Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao) đã được dịch ra chữ Quốc ngữ và lưu truyền trong dòng họ.
Số hóa để đưa di sản đến với công chúng
Sắc phong (hay còn có tên gọi là đạo sắc) là tài sản độc bản vô giá, mang trong mình câu chuyện hàng nghìn năm của các di tích và làng xã. Các sắc phong là sự công nhận của nhà vua về việc thờ thần của một làng (sắc phong thần) hay chức tước cho một vị quan (sắc phong chức tước). Sắc phong được thể hiện thành loại hình văn bản Hán Nôm về các làng xã ở Việt Nam, địa danh ghi trên sắc phong là những thông tin quan trọng xác định sự thay đổi tên các làng xã Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần nghiên cứu tên gọi các địa danh cổ. Ngày tháng trên sắc phong là dấu tích quan trong khẳng định lịch sử dân tộc. Do vậy, sắc phong là nguồn tư liệu rất quan trọng, quý hiếm có ý nghĩa to lớn trong quá trình nghiên cứu, xây dựng lịch sử của làng xã.
Trong kỷ nguyên thông tin đại chúng như hiện nay, sắc phong mang câu chuyện của di tích không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi của gia tộc, làng xã mà còn cần lan tỏa cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết về lịch sử, bồi đắp lòng tự hào, biết ơn. Cụ Tạ Đình Hạp chia sẻ: “Quảng bá, truyền thông cho di sản là điều cần làm để cho hậu thế biết đến giá trị di tích. Sắc phong không chỉ truyền đi thông điệp lưu trên tờ giấy sắc mà còn sống trong tâm thức của Nhân dân. Đó mới là cách các giá trị văn hóa được trường tồn. Số hóa sắc phong hay các tư liệu Hán Nôm quý khác sẽ là chìa khóa để giải bài toán bảo tồn nguồn di sản quý giá này”.
Chặng đường đầu tiên để số hóa được sắc phong là kiểm kê, khảo cứu, phiên âm, dịch nghĩa nguồn di sản Hán Nôm tại các di tích. Tỉnh Phú Thọ hiện nay mới chỉ có huyện Lâm Thao lên kế hoạch cho nội dung này. Đồng chí Nguyễn Thị Thùy Linh – Trưởng Phòng VH&TT huyện Lâm Thao thông tin: “Huyện sẽ thực hiện rà soát, sưu tầm, thống kê các tư liệu Hán Nôm tại các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng và một số di tích chưa được xếp hạng có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phiên âm, dịch nghĩa các văn tự, tài liệu Hán Nôm đã khảo cứu, sưu tầm sang chữ Quốc ngữ. Sau đó, hệ thống hóa, số hóa nguồn tài liệu đã dịch nghĩa để phục vụ khai thác thông tin qua các file tài liệu trên các thiết bị số”.
Trong kỷ nguyên hiện đại, bảo tồn di sản văn hóa không chỉ còn gói gọn trong khuôn khổ bảo quản, lưu truyền cho thế hệ sau mà còn có thể được khai thác bản quyền và chuyển hóa thành các tài sản trí tuệ, tạo ra các giá trị thương mại. 2/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chung là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Số hóa tư liệu Hán Nôm quý, trong đó có sắc phong là thực tế tất yếu, khách quan trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, nguồn lực về kinh phí, con người cho nội dung này không hề nhỏ. Dù đã ban hành kế hoạch nhưng huyện Lâm Thao phải lập dự án, đấu thầu. Nhanh nhất cũng phải tính bằng năm thì những dự định trên giấy mới có thể triển khai ngoài thực tế.
Trả lời báo chí về vấn đề bảo tồn sắc phong tại các làng, xã hiện nay, PGS.TS Bùi Xuân Đính – Viện Dân tộc học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam cho biết: “Cần áp dụng sớm chuyển đổi số để số hóa di sản. Và cần xây dựng hệ thống tương tác trên thiết bị thông minh, ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, trải nghiệm đa phương tiện… phục vụ Nhân dân, du khách tham quan trải nghiệm, khám phá về di tích hay tìm hiểu về một di vật lịch sử một cách tiện lợi, thoải mái nhất ngay trên điện thoại thông minh. Điều này cũng sẽ góp phần lưu giữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia một cách đồng bộ và tránh được những mất mát thông tin không thể khôi phục được nội dung”.
Sắc phong là tài sản độc bản vô giá, chứa đựng câu chuyện lịch sử trải dài hàng trăm, hàng ngàn năm của các làng, xã Việt Nam. Trong thời buổi công nghệ hiện đại, công tác bảo tồn sắc phong cũng cần được chuyển đổi số để góp phần giữ gìn cho muôn đời hậu thế và quảng bá di sản đến bạn bè Quốc tế.
Thùy Trang
Nguồn: https://baophutho.vn/so-hoa-sac-phong-225196.htm