Ấn tượng, lôi cuốn, đậm tính nghệ thuật… là cảm nhận của đông đảo du khách khi lần đầu thưởng thức bài Ca trù “Hồng hồng tuyết tuyết” được trình diễn trên sân khấu Nhà đón tiếp khách du lịch và biểu diễn nghệ thuật tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Ca nương Thúy Quỳnh biểu diễn tiết mục Ca trù “Hồng hồng tuyết tuyết” trên sân khấu Nhà đón tiếp khách du lịch và biểu diễn nghệ thuật tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Người thổi hồn tiết mục chính là ca nương Thúy Quỳnh. Là thành viên trong Đoàn Nghệ thuật tỉnh, ca nương Thúy Quỳnh đến với Ca trù như cơ duyên định sẵn. Sau thời điểm Ca trù được UNESCO xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, chị cùng nhiều anh chị em trong Đoàn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đi học tập và tham gia biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc các năm 2014, 2018… Tại đây, ca nương Thúy Quỳnh đã ghi dấu là đào nương trẻ nhưng lại có chất giọng vang rền, nền, nảy rất phù hợp với Ca trù. Sau nhiều năm miệt mài tự học hỏi, rèn luyện, ca nương Thúy Quỳnh có thể hát được các thể cách kinh điển như: “Dâng hương- Hát giai”, “Gửi thư”, “Bắc phản” “Hát 36 giọng”…
Trên sân khấu, ca nương tài sắc trong tấm áo dài trắng tinh khôi, nền nã, vừa hát vừa gõ nhịp, từng nhịp phách đan xen tiếng ca da diết lúc khoan, lúc nhặt, tinh tế, điêu luyện, trau chuốt. Trong tiếng đàn réo rắt của kép đàn, tiếng trống khi “phi nhạn”, lúc “thượng mã” của quan viên cầm chầu như tán dương tài nghệ đào hát, kép đàn. Tất cả hòa quyện vào nhau tái hiện không gian nghệ thuật ấn tượng, từng lời ca, tiếng đàn, nhịp trống như thấm đượm nỗi niềm riêng, làm xao xuyến bao trái tim của khán giả có mặt.
Ca nương Thúy Quỳnh chia sẻ: “Ca Trù vốn là một loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống rất kén người nghe, với những kỹ năng phức tạp đòi hỏi người học phải rất tốn công sức khổ luyện mới có thể thành thục trong nghề nên không nhiều người có thể theo học được. Trong mỗi tiết mục biểu diễn, tôi luôn cố gắng truyền tải tới khán giả trọn vẹn cái hồn của ca trù, không chỉ là âm thanh mà còn là câu chuyện đằng sau mỗi lời ca, mỗi nhịp đàn”.
Trong hát ca trù sử dụng hơi trong là chính, rung giọng ngâm phải đạt được phong thái vừa kín đáo vừa đoan trang. Luyện được phách đã khó, luyện được những khổ phách cho lưu loát, sinh động phải mất rất nhiều công phu rèn luyện, đào hát không cần dùng điệu bộ mà chỉ bằng lời ca, tiếng phách để bộc lộ cái hồn của bài ca trù.
Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, mặc dù được đánh giá là loại hình nghệ thuật bác học, có sức ảnh hưởng lớn trong nền âm nhạc truyền thống của dân tộc nhưng Ca trù cũng có những bước thăng trầm theo lịch sử, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bị mai một. Bằng sự nỗ lực thể hiện tình cảm, tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành và đặc biệt là của chính những nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn loại hình nghệ thuật này đang từng bước được công chúng đón nhận.
Anh Nguyễn Kim Lộc, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được xem Ca trù được biểu diễn trực tiếp tại Đền Hùng, tôi thực sự ấn tượng với sự tài hoa của các nghệ sĩ, cảm nhận được tình yêu và nỗ lực của các nghệ sĩ để đưa bộ môn nghệ thuật này đến với công chúng. Qua tiết mục này, tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về Ca trù và thêm yêu văn hóa Việt”.
Với đam mê và nhiệt huyết, các nghệ sĩ, trong đó có ca nương Thúy Quỳnh vẫn tiếp tục cố gắng đưa nghệ thuật Ca trù lên sân khấu trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, những đào nương như chị luôn nuôi hy vọng đưa loại hình nghệ thuật độc đáo này đến gần hơn, có sức sống mãnh liệt hơn với công chúng, khán giả.
Thùy Phương
Nguồn: https://baophutho.vn/dam-say-cau-hat-a-dao-225129.htm