Trên cung đường về xã Đồng Sơn (huyện Tân Sơn) những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi, vươn lên của đồng bào nơi đây. Các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa bảo đảm nhu cầu đi lại, giao thương của bà con; nhiều công trình phúc lợi xã hội như trường học, nhà văn hóa khu dân cư được xây dựng khang trang; người dân được hỗ trợ xây nhà ở, vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề phù hợp, chuyển giao kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất…. Cán bộ và Nhân dân Đồng Sơn bày tỏ niềm vui được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước đầu tư theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719).
Nhà văn hoá khu Bến Thân, xã Đồng Sơn được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 1719.
Là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Tân Sơn – Đồng Sơn hiện có 781 hộ dân, 3623 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90 % dân số, tỷ lệ hộ nghèo (26,3%), cận nghèo (9,6%) còn cao so với mặt bằng chung của huyện. Những năm qua, tranh thủ nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, đặc biệt là Chương trình 1719; nhiều nội dung, tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình đã được cấp uỷ, chính quyền xã tập trung triển khai đồng bộ, phát huy được nội lực trong Nhân dân. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng nông thôn, an sinh xã hội từng bước được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua các năm. Người dân phấn khởi, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, diện mạo nông thôn đổi thay tích cực.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Sơn được thụ hưởng Dự án 1, Dự án 3, Dự án 4, Dự án 6 và Dự án 10 thuộc Chương trình 1719 với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng. Trong đó, các nội dung, tiểu dự án, dự án như: Hỗ trợ nhà ở cho 15 hộ dân thuộc khu Bến Thân (tổng kinh phí 660 triệu đồng) theo Dự án 1; xây dựng mô hình Tổ sản xuất cộng đồng nuôi dê sinh sản (gồm 31 hộ dân, trong đó hỗ trợ dê giống cho 30 hộ dân) theo Dự án 3; sửa chữa hệ thống loa đài truyền thanh của xã và cơ sở vật chất tại trạm y tế xã (tổng kinh phí 101 triệu đồng) theo Dự án 4; đầu tư thiết chế văn hoá tại khu Xuân 2, Mít 1 (tổng kinh phí 84 triệu đồng) theo Dự án 6 hiện đã được giải ngân. Qua đó góp phần từng bước ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào địa phương.
Gia đình anh Đặng Văn Linh – người dân tộc Dao ở khu Bến Thân, xã Đồng Sơn có 5 nhân khẩu, là hộ nghèo, chưa có nhà ở kiên cố. Thấu hiểu hoàn cảnh cũng như nguyện vọng của gia đình, cấp ủy, chính quyền xã đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ làm nhà ở cho gia đình anh. Năm 2023, gia đình anh Linh là 1 trong 3 hộ nghèo tại khu Bến Thân được thụ hưởng Dự án 1 (Chương trình 1719).
Cán bộ xã Đồng Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, bình chọn đối tượng thụ hưởng Dự án 1 thuộc Chương trình 1719 trên địa bàn xã.
Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà kiên cố, anh Linh phấn khởi chia sẻ: Trước đây gia đình tôi sống trong căn nhà gỗ lợp lá cọ tạm bợ. Do công việc bấp bênh, nhà lại đông con, nên trước đây dù đã cố gắng dành dụm nhưng vợ chồng tôi mãi vẫn không đủ tiền để xây dựng ngôi nhà mới. May mắn được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, tôi vay thêm từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 40 triệu, số còn lại gia đình dành dụm và được bà con hỗ trợ ngày công. Tết năm nay gia đình tôi có nhà mới để ăn Tết, vợ chồng tôi vui mừng lắm, quyết tâm tu chí làm ăn để thời gian tới sớm ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Xác định triển khai hiệu quả Chương trình 1719 sẽ là “đòn bẩy” để địa phương “chuyển mình”, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; đảm bảo Chương trình hoàn thành kịp tiến độ đề ra, địa phương đã tích cực thực hiện rà soát, bình chọn đối tượng thụ hưởng các dự án hỗ trợ theo đúng quy định, khách quan, minh bạch. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với phòng, đơn vị chức năng của huyện; tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Chương trình, tập trung chủ yếu là các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp như: Nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, sửa chữa máy móc nông nghiệp…; đẩy mạnh truyền thông thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc.
Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nắm bắt lợi thế địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đồng Sơn đã phát triển mô hình nuôi cá tầm nước lạnh, cho thu nhập ổn định.
Hiện xã Đồng Sơn đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ 26 hộ dân mua téc nước và 31 hộ mua máy móc chuyển đổi nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp; trình UBND huyện phê duyệt dự án nuôi trâu sinh sản cho 26 hộ dân khu Mít 1, Xuân 2 và lập dự toán đầu tư xây dựng thiết chế nhà văn hoá tại 8 khu dân cư trên địa bàn.
Đồng chí Hà Thanh Giáp – Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ nguồn vốn các Chương trình MTQG nói chung, Chương trình 1719 nói riêng đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân xã Đồng Sơn.
Thời gian tới, để chương trình được triển khai hiệu quả, đồng bộ; địa phương sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để tổ chức thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, phát huy, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại; phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn khảo sát, lập hồ sơ, thẩm định, đề nghị phê duyệt các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả Chương trình, đảm bảo công khai, dân chủ theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong quản lý và sử dụng nguồn lực gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…
Bích Ngọc
Nguồn: https://baophutho.vn/dong-son-vuon-minh-225142.htm