Yên Sơn là xã miền núi thuộc huyện Thanh Sơn, hiện có 1.780 hộ với 7.800 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm trên 85%, được phân bố tại 12 khu hành chính. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã đã tập trung nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình 135 – giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, kinh tế – xã hội địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao…
Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Nguyễn Đăng Hữu.
Trở lại khu Trại Yên, chúng tôi nhận thấy diện mạo nông thôn nơi đây đã có nhiều thay đổi tích cực khi tuyến đường liên khu đã được bê tông hoá. Những ngôi nhà xây mới khang trang bên những vườn cây ăn quả xanh mướt mát như minh chứng cho cuộc sống mới sung túc. Đồng chí Nguyễn Thái Sơn- Trưởng khu Trại Yên cho biết: Hiện nay, Trại Yên có 44 hộ với 215 nhân khẩu. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, người dân trong khu đã mạnh dạn chuyển cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả, bình quân thu nhập của người dân hiện đã đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, đến nay khu chỉ còn 3 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo.
Những năm gần đây, xã Yên Sơn đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu, bản. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng; áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị canh tác. Xã hiện có khoảng 60ha bưởi Diễn, trong đó có 42ha đã cho thu hoạch; gần 370ha chè với 147ha đã cho thu hoạch với sản lượng trên 1.600 tấn. Tận dụng diện tích đồi rừng, nhiều hộ dân đầu tư chăn nuôi gia súc mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện, tổng đàn trâu, bò, dê, lợn của xã tăng lên hơn 7.500 con, đàn gia cầm, thủy cầm với hơn 65.000 con.
Trên diện tích hơn 2.000m2 đất vườn đồi của gia đình, ông Nguyễn Đăng Hữu ở khu Trại Yên đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây ăn quả lâu năm, kết hợp nuôi ong, chăn nuôi gà, lợn. Gần 10 năm đầu tư, chăm sóc và sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, mô hình kinh tế cây – con của gia đình ông Hữu đã cho thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Cùng với đó, xã còn tập trung phát triển các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trên địa bàn xã hiện có 5 xưởng đóng gạch xi măng, 2 xưởng chế biến gỗ, 10 xưởng mộc và đồ gỗ, 9 xưởng cơ khí,… Dư nợ từ nguồn vốn tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 87 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện trên 65 tỷ đồng đã và đang đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất của các hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong công tác giảm nghèo, xã cũng chú trọng giới thiệu việc làm cho người lao động và tạo điều kiện để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách. Năm 2024, xã có 12 lao động đi xuất khẩu lao động. Mỗi năm xã phối hợp với các đơn vị mở 5-10 lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; vận động người dân phát huy thế mạnh của địa phương nhằm mở rộng diện tích trồng cây ăn quả như: Cam, bưởi, chanh,… qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có chứng chỉ đạt gần 70%. Qua đó, nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 19% và hộ cận nghèo còn 14%.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Yên Sơn sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân để chủ động phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Các hội, đoàn thể tiếp tục tập trung phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng. Quan tâm tư vấn, hỗ trợ người dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Thu Giang
Nguồn: https://baophutho.vn/yen-son-no-luc-thoat-ngheo-225034.htm