Ngành nghề nông thôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội, bảo đảm tăng trưởng xanh, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới, góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường nông thôn.
HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Các hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh được phân theo 5 nhóm ngành nghề, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh; dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có trên 17.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề, làng nghề nông thôn. Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt trên 8.500 tỷ đồng/năm, trong đó nhóm ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn chiếm khoảng 50% tổng doanh thu; nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm gần 30%.
Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh như: Khuyến công địa phương, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tín dụng ưu đãi… nhiều cơ sở, đơn vị sản xuất ở nông thôn được hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của các ngành nghề nông thôn đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống khu vực nông thôn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tạo động lực, điều kiện để các địa phương, người dân quan tâm bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Qua đó, tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm có mẫu mã, chất lượng, giá trị thương mại cao, hình thành nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, vùng miền. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có trên 300 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Tại huyện Cẩm Khê, các ngành nghề nông thôn giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động. Để nâng cao hiệu quả phát triển ngành nghề nông thôn, huyện duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống như: Làng nghề nón lá Sai Nga, làng nghề mộc Dư Ba, làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, làng nghề chế biến nông sản Thạch Đê… gắn với xây dựng thương hiệu; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP…
Đồng chí Nguyễn Công Chính – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Công tác đào tạo nghề cho lao động trong làng nghề và các cơ sở sản xuất được chú trọng nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho người lao động trong quá trình làm nghề. Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm thực hiện thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới… Hàng năm, sản phẩm tiêu biểu của cơ sở sản xuất, làng nghề được lựa chọn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, nhiều làng nghề đã tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề”.
Hiện nay, ngành nghề nông thôn từng bước được chuyển dịch từ quy mô nhỏ, mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng hàng hóa, phát triển các loại sản phẩm mới, có chất lượng cao, được định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao hơn. Cùng với đó, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm giúp tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm.
Tuy nhiên, phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ yếu quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm chưa đa dạng, sức cạnh tranh còn thấp, nhất là đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; thiết bị, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa… Vì vậy, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành nghề nông thôn cần phát triển ngành nghề gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, hình thành liên kết sản xuất.
Làng nghề sản xuất tương Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao chú trọng nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng bộ các giải pháp
Đồng chí Vũ Quốc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Việc phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội nông thôn. Việc tập trung nguồn lực cho phát triển ngành nghề nông thôn giúp khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ, nâng cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề cùng yêu cầu về xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ… đòi hỏi phải có định hướng phát triển ngành nghề nông thôn dài hạn.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4362-KH/UBND, ngày 6/11/2023 về thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn tăng từ 6- 7%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn từ 80% trở lên, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt từ 35% trở lên; quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn. Tầm nhìn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn là hoạt động trọng tâm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, truyền thống của các địa phương.
Các giải pháp đồng bộ được đưa ra gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền; định hướng với từng nhóm ngành nghề nông thôn; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả; bảo tồn, phát triển làng nghề; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề; xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
Triển khai Kế hoạch, các ngành, các địa phương xác định rõ những ngành nghề trọng điểm, có lợi thế để ưu tiên đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa gắn với thị thường tiêu thụ, hình thành sản phẩm có thương hiệu mạnh. Đồng thời, gắn phát triển làng nghề, ngành nghề với khai thác tốt tiềm năng du lịch, tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế, lao động khu vực nông thôn.
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-da-dang-nganh-nghe-nong-thon-224918.htm