Trên đỉnh núi Trúc, làng Trúc Phê (nay là khu 3), thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, nơi đây đã từng tồn tại Văn miếu tỉnh Hưng Hóa với quy mô tương đối bề thế, là biểu tượng cho đạo học và truyền thống tôn sư trọng đạo của Nhân dân địa phương thời bấy giờ.
Dù hiện nay, Văn miếu tỉnh Hưng Hóa chỉ tồn tại trong các tư liệu lịch sử nhưng sẽ là chỉ dẫn quan trọng để huyện Tam Nông lên phương án phục dựng công trình mang giá trị lịch sử văn hóa hiếm có này.
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Trọng Bình cùng lãnh đạo thị trấn Hưng Hóa nghiên cứu các tài liệu ghi chép về Văn miếu tỉnh Hưng Hóa
Theo cuốn “Hưng Hóa ký lược” của tác giả Phạm Thận Duật biên soạn bằng chứ Hán vào năm Bính Thìn 1856, Hưng Hóa là một trong 13 đạo thừa tuyên lập ra từ niên hiệu Quang Thuận của vua Lê Thánh Tông. Đến đầu thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh 12 tức năm 1831, Hưng Hóa là một tỉnh với 3 phủ, 5 huyện, 16 châu có địa vực khá rộng bao gồm phần lớn đất đai các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu và Sơn La ngày nay.
Trong quá trình đi tìm các tài liệu, dấu tích lịch sử về Văn miếu tỉnh Hưng Hóa xưa, chúng tôi được gặp nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Trọng Bình. Ông là hội viên Hội văn nghệ dân gian TP Hà Nội và là người con của quê hương Hưng Hóa. Sau khi về nghỉ hưu tại quê nhà, ông cùng nhiều bậc cao niên dày công sưu tầm các tư liệu chứng minh Văn miếu tỉnh Hưng Hóa là công trình kiến trúc đã từng tồn tại trong lịch sử, là 1 trong 28 Văn miếu cấp tỉnh ở Việt Nam.
Vị trí Văn miếu nằm trong Thành Hưng Hóa được thể hiện trên một tấm bản đồ cổ huyện Tam Nông trong Đồng Khánh dư địa chí (biên soạn năm 1887 dưới triều vua Đồng Khánh nhà Nguyễn)
Theo tài liệu công bố của Viện nghiên cứu Hán Nôm năm 1998, Văn miếu tỉnh Hưng Hóa được xây dựng trên đỉnh núi Trúc, phía Tây Bắc tỉnh lỵ Hưng Hóa (thị trấn Hưng Hóa) năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), nghĩ là trước cả khi thành lập tỉnh. Quy mô Văn miếu tương đối bề thế. Đến năm 1882, chiến sự nổ ra, tỉnh lỵ bị tàn phá và Văn miếu cũng bị hư hỏng gần hết, chỉ còn mấy gian chính đường, tỉnh dùng làm nơi trú quân. Từ đó, khói lửa chiến tranh đã làm nhạt dần khói hương thờ thánh.
Năm 1892, quan tuần phủ họ Lê (người làng Nhân Mục, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) về nhậm chức đã dẫn thuộc hạ đi thăm miếu cũ. Cảm khái trước cảnh Văn miếu điêu tàn, đổ nát, Lê tuần phủ liền trù hoạch kế sách tôn tạo lại. Công việc tiến hành gấp gáp, thượng tuần tháng 6 năm 1893 khởi công đến trung tuần tháng 7 cùng năm đó đã hoàn thành.
Quy mô Văn miếu hoàn toàn dựa theo khuôn viên cũ bao gồm: Tòa chính đường thờ tiên thánh, bên trong các gian đặt Ngai vị của Chí thánh tôn sư Khổng Phu Tử, bàn thờ Tứ phối, bàn thờ Thất thập nhị hiền, bàn thờ tiên hiền của địa phương; hai bên là hai dãy tả vu, hữu vu; phía trước là gác tam quan, lầu chuông, lầu trống; phía sau là nhà thủy đình – nơi giảng tập cho sĩ tử; bốn chung quanh xây tường gạch đá ong. Công việc xong xuôi, tỉnh thần liền làm lễ khánh thành, lại cho khắc bia đá ghi đầu đuôi sự việc. Chỉ tiếc, ngày nay, Văn miếu không còn, văn bia đã mất.
Tư liệu lịch sử về Văn miếu tỉnh Hưng Hóa hiện nay còn khá đầy đủ và chi tiết
Trong cuốn sách Hán Nôm “Sắc vân thi trướng đối liên”, cuốn sách chép tay của gia tộc họ Lê (gia tộc của vị quan tuần phủ họ Lê đã tôn tạo lại Văn miếu tỉnh Hưng Hóa) biên soạn năm 1893 có đoạn ghi lại nội dung văn bia như sau: “Ta nói với đám thuộc hạ rằng: Trên đời này mọi việc thành bại phế hưng cứ kế nối mãi chẳng bao giờ cùng tận. Xưa kia khi mới dựng Văn miếu, đâu ngờ rằng ngày sau lại hoang tàn đổ nát, lại dùng làm nơi đồn trú quân lính.
Lại đâu có ngờ rằng bây giờ đã đủ lực xây dựng Văn miếu mới. Đất trời xoay chuyển, muôn vật đổi thay. Trong cái đáng chúc mừng lại ngầm chứa các đáng cảm thương. Đạo ta mênh mông nguyên khí, chẳng thể vì thế vận thịnh suy mà thay to đổi nhỏ. Đạo ta tồn tại cũng chẳng hề lệ thuộc miếu còn hay mất, miếu có hay không. Có điều là nơi bày tỏ lễ nghĩa, có quan hệ mật thiết đến nghi thức phụng thờ.
Vậy nên ở từng địa phương xây dựng Văn miếu là để duy trì thế đạo, cần phải khôi phục lại những chỗ hoang phế. Văn miếu ngẫu nhiên bị hoang phế, đổ nát, càng cần phải khôi phục lại. Vậy việc khôi phục lại Văn miếu này bảo rằng không phải chức trách của kẻ giữ đất thì biết giao phó cho ai? Ta mới đến đất này lại được gánh vác trách nhiệm này thì thực là vinh hạnh! Thế rồi bèn sai thợ khắc đá ghi lại mấy lời, để người sau có dịp đến thăm Văn miếu này biết được đại lược đầu đuôi sự việc”
Bản sao chép của Cuốn “Sắc vân thi trướng đối liên” có ghi lại nội dung văn bia Văn miếu tỉnh Hưng Hóa
Quy mô bề thế của Văn miếu tỉnh Hưng Hóa một thời còn được thể hiện trong số lượng 8 bức hoành phi, 58 câu đối được bố trí ở 13 nơi thờ phụng. Cuốn “Sắc vân thi trướng đối liên” ghi chép cụ thể vị trí 58 câu đối như sau: “Tiền đường 4 đôi, điện khải thánh 1 đôi, nhà tiên thánh 6 đôi, khu Đông – Tây phối 20 đôi, chính miếu 4 đôi, khải miếu 3 đôi, ban tứ phối 1 đôi, ban thập triết 2 đôi, tả hữu vu 2 đôi, tam quan 3 đôi, lầu chuông 1 đôi, lầu trống 1 đôi, thủy đình 10 đôi. Qua việc bố trí điểm treo câu đối của 13 khu riêng biệt ta cũng đã một phần nào thấy được sự hoành tráng, bề thế của Văn miếu tỉnh Hưng thời ấy”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Trọng Bình cho biết: “Sự phồn hưng của Văn miếu tỉnh Hưng Hóa chỉ kéo dài 10 năm. Đến năm 1903, theo lệnh của toàn quyền Đông Dương, tỉnh lỵ chuyển sang đất thị xã Phú Thọ và đổi tên là tỉnh Phú Thọ. Văn miếu tỉnh Hưng cũng như một số công trình kiến trúc khác cũng đi vào ký ức. Trong quá trình di chuyển tỉnh lỵ, chẳng ai còn biết những gì của Văn miếu được đem theo hoặc để lại, giờ còn hay mất”.
Ông Bình dẫn tôi đến nhà cụ bà Nguyễn Thị Oanh (khu 3, thị trấn Hưng Hóa), nơi đây chính là nền móng cũ của Văn miếu. Cụ Oanh cho biết: “Gia đình tôi đến đây sinh sống từ năm 1954. Khi làm nhà, chúng tôi phát hiện rất nhiều tảng đá ong lớn. Mỗi viên có chiều dài bằng nửa sải tay người trưởng thành. Cổng có một cây hoa đại rất lớn”.
Cụ bà Nguyễn Thị Oanh – chủ nhân căn nhà được xây dựng trên nền móng cũ của Miếu tỉnh Hưng Hóa
Nhiều tư liệu lịch sử đã chứng minh, cách đây gần 2 thế kỷ, công trình kiến trúc Văn miếu tỉnh Hưng Hóa đã từng tồn tại. Huyện Tam Nông hiện nay đang rất quan tâm và đã lập đề tài nghiên cứu phục dựng Văn miếu tỉnh Hưng Hóa. Đồng chí Nguyễn Ngọc Kiên – Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông cho biết: “Địa phương đã tìm gặp những nhà nghiên cứu, bậc cao niên sưu tầm tư liệu, báo cáo huyện để lên phương án phục dựng công trình kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa hiếm có như Văn miếu. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ sau về truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến khích công tác khuyến học tại địa phương phát triển mạnh mẽ”.
Tư liệu của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, giáo thụ Trần Kỷ – người địa phương, tác giả biên soạn câu đối tại chính điện Văn miếu tỉnh Hưng Hóa từng nhận xét như sau: “Văn miếu tỉnh Hưng sau khi khôi phục quả là đã góp phần chấn hưng đạo học ở địa phương, khích lệ sĩ tử miệt mài đèn sách để mấy khoa thi Hương liên tiếp, người ta thấy học trò Hưng Hóa có tên khi yết bảng ở trường thi”.
Thấm nhuần tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”, sự nghiệp giáo dục luôn được các cấp, các ngành coi trọng. Tiếng vọng từ quá khứ xa xôi đã thôi thúc huyện Tam Nông nghiên cứu, lên kế hoạch phục dựng lại Văn miếu tỉnh Hưng Hóa tại thị trấn Hưng Hóa ngày nay. Như vậy thì đời đời con cháu các thế hệ hôm nay và mai sau được đến đó thắp một nén hương thơm, cầu mong các bậc tiền nhân phù hộ độ trì cho việc học hành, thi cử, đỗ đạt đóng góp cho đất nước.
Thùy Trang
Nguồn: https://baophutho.vn/van-mieu-tinh-hung-hoa-224872.htm