Khởi nghiệp từ 4 triệu đồng đến 9.000 điểm bán món ăn dân dã của quê hương
Chia sẻ tại buổi trò chuyện về chủ đề “Hành trình khởi nghiệp – Ứng dụng nền tảng số 4.0” diễn ra vào ngày 15/11, các nữ doanh nhân khởi nghiệp, làm giàu từ đặc sản truyền thống của quê hương đã tiết lộ những bí quyết, kinh nghiệm của chính mình, giúp những người trẻ học hỏi được nhiều bài học quý báu.
Giám đốc – kiêm Nhà sáng lập thương hiệu Thịt chua, chị Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết, chị đã khởi đầu sự nghiệp của mình với số vốn chỉ 4 triệu đồng.
Năm 2022, chị đã gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank, mùa 4, đồng thời giành giải Nhất trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp quốc gia và nhận giải Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021 từ Trung ương Đoàn.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoa, thường được biết đến với biệt danh “Hoa Thịt Chua”, bắt đầu khởi nghiệp khi mới 18 tuổi với món ăn đặc sản Thịt Chua đến từ huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Để đạt được thành tựu như hôm nay, chị đã trải qua một hành trình khởi nghiệp đầy thử thách chỉ với 4 triệu đồng.
Mặc dù từng đối mặt với nhiều thất bại, nhưng với sự kiên trì, chị đã vượt qua mọi khó khăn. Chị Hoa cho biết, cách đây 13 năm, thịt chua chưa phổ biến như hiện nay, chủ yếu chỉ có ở huyện Thanh Sơn và các khu vực lân cận.
Từ món ăn truyền thống của gia đình chồng, chị đã quyết định khởi nghiệp với mong muốn đưa món đặc sản thịt chua đến với các gia đình Việt trên khắp đất nước.
“Tạo ra sản phẩm đã khó, nhưng tiêu thụ chúng lại còn khó hơn rất nhiều,” nữ CEO cho biết, thách thức ban đầu là làm sao chế biến ra sản phẩm chất lượng, sản xuất hàng loạt mà vẫn bảo đảm tiêu chuẩn.
Từ những ngày chỉ bán được vài chục hộp mỗi ngày, hiện tại, chị đã xây dựng thành công 9.000 điểm bán hàng và có mặt tại một số siêu thị lớn.
“Chiến lược giúp tôi nhanh chóng mở rộng thị trường chính là ứng dụng công nghệ số và phát triển sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, tiếp cận hàng nghìn, hàng triệu khách hàng”, chị Thu Hoa chia sẻ.
Theo chị Hoa, để bán hàng online hiệu quả cần chú trọng đến nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm, giá cả, bao bì và chọn lựa nền tảng phù hợp để quảng bá. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu cá nhân là vô cùng quan trọng, vì nếu không có sự hiện diện rõ ràng, khách hàng sẽ khó tin tưởng mua hàng.
Gần đây, để chia sẻ thêm kinh nghiệm cho giới trẻ, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã cho ra mắt cuốn sách “Hành trình Khởi nghiệp”.
Chị tâm sự: “Tôi mong bạn tránh được những sai lầm không đáng có và rút ngắn hành trình đến thành công. Nếu bạn đã quyết định bắt đầu, đừng bao giờ lùi bước!”.
Ứng dụng công nghệ để kinh doanh đặc sản quê hương
Giám đốc 2 thương hiệu khác là chị Huyền và Nguyễn Thị Ngọc Huyền, người đã tạo ra “cơn sốt” livestream trên TikTok, cũng chia sẻ về chiến lược tạo trào lưu giúp sản phẩm nhanh chóng chinh phục thị trường.
Ngọc Huyền bắt đầu con đường livestream bán hàng từ một khoản nợ lớn và nỗi đau gia đình. Chị đã khởi đầu bằng các video hướng dẫn làm món đặc sản Tây Bắc như lạp xưởng, thịt trâu gác bếp và chính thức bắt đầu bán hàng vào năm 2022 qua livestream trên TikTok và các sàn thương mại điện tử khác.
Hiện tại, chị là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên TikTok với hơn 1,2 triệu người theo dõi và mỗi video của chị thu hút từ 1,4 triệu đến hơn 4 triệu lượt xem.
Huyền nhấn mạnh rằng để trở thành người bán hàng thành công trên mạng xã hội, mỗi buổi livestream, chị phải trau dồi kỹ năng nói trước đám đông, có kịch bản và duy trì năng lượng tích cực để thu hút người xem.
Hay như Giám độc Vũ Diệu Thúy cho rằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân khác biệt cần ứng dụng công nghệ AI, đồng thời kể những câu chuyện chân thật về sản phẩm trong mỗi phiên livestream.
Chị thường livestream bán các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP. “Tôi thực hiện những video chân thực nhưng vẫn thu hút lớn. Ví dụ, để bán một loại quả, tôi quay từ quá trình gieo hạt đến khi cây đơm hoa kết trái. Người xem rất thích những video như vậy và từ đó, họ tin tưởng để mua sản phẩm của mình,” chị Thúy chia sẻ.