Trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Xung quanh việc Trí tuệ nhân tạo AI làm thơ và viết phê bình” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã đưa ra ý kiến về những tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực văn học và cơ hội của trí tuệ nhân tạo AI đối với việc làm thơ và viết phê bình, nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho các tác giả kiến thức, kỹ năng cần thiết về AI.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI) đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cường quốc công nghệ từ lâu đã xây dựng chiến lược phát triển AI của riêng mình, lấy công nghệ này làm cốt lõi để tăng tốc phát triển kinh tế.
Trong vài năm qua, tại Việt Nam đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó, AI đang được ứng dụng ngày càng nhiều hơn trong sáng tác văn học, mỹ thuật, âm nhạc,… và AI khiến công chúng kinh ngạc với khả năng sáng tạo văn học và nghệ thuật của mình.
AI đang dần phổ biến trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nó giúp nghệ sĩ sáng tạo, không bị bó buộc bởi ý tưởng, thời gian, kinh phí… (Ảnh minh họa)
Tại buổi sinh hoạt, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, thời gian gần đây, chuyện trí tuệ nhân tạo (AI) làm thơ đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận, nhiều người cho rằng, AI chỉ là cái “máy làm thơ” nên nó vô cảm, vô hồn, không có sự xúc động của trái tim như con người và không có được sự phát hiện của tư duy suy tưởng và tư duy thẩm mỹ như con người.
Ngược lại, không ít người cho rằng, tốc độ làm thơ của AI hơn hẳn con người, với mỗi đề tài thơ, AI chỉ làm trong chừng chục giây là xong, trong khi con người phải mất cả ngày hoặc cả tuần mới viết xong một bài thơ.
Gần đây có nhiều tác giả đã thử sức với AI, dịch giả Trần Hậu đã đưa dẫn chứng hai bản dịch thơ của AI và ông đánh giá kết quả bản dịch của AI không tồi; nhà thơ Trần Đăng Khoa thừa nhận AI có thể viết văn xuôi, viết phê bình khá tốt nhưng AI làm thơ chung chung, không có “hồn”; nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng đã làm phép thử với AI, với đề tài “Ta của Xứ Đoài” – một trong những bài thơ hay nhất của ông, ông ra đề bài cho AI làm thơ 7 chữ, thơ lục bát, thơ 5 chữ và nhận thấy rằng thơ của AI thiếu sự tinh tế về cảm xúc và thiếu sự khắc họa ấn tượng về mặt hình ảnh và nhất là sự sáng tạo mới về chất thơ.
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, AI chỉ xử lý ngôn ngữ dựa trên sự liên kết giữa các từ và ngữ pháp, nhưng không thực sự hiểu ngữ cảnh sâu sắc của một tình huống, một sự kiện hay một chủ đề. Điều này dẫn đến thơ của AI có thể hợp lý về mặt ngữ pháp nhưng thiếu chiều sâu về ý nghĩa và sự gắn kết với cảm xúc thực tế. AI dựa vào các mẫu dữ liệu lớn từ các bài thơ và ngôn ngữ mà nó đã học, nhưng thiếu khả năng sáng tạo thực sự. Những bài thơ của AI thường theo một khuôn mẫu nhất định, khó có được sự phá cách, sáng tạo mới lạ hay ngẫu hứng bất ngờ, những yếu tố thường làm nên một bài thơ độc đáo.
Mặt khác, thơ ca không chỉ là sự sắp xếp từ ngữ mà còn là cách thể hiện những cảm xúc phức tạp và sâu xa mà con người trải qua. Con người sáng tác thơ từ những trải nghiệm cá nhân, từ nỗi buồn, niềm vui, sự cô đơn, tình yêu, hay nỗi đau. AI không có khả năng cảm nhận và trải nghiệm những cảm xúc này, do đó thiếu đi chiều sâu cảm xúc thật sự. Thơ ca thường sử dụng nhiều biểu tượng, ẩn dụ để truyền tải những ý tưởng trừu tượng và cảm xúc một cách tinh tế. AI có thể sử dụng các ẩn dụ đã học từ dữ liệu, nhưng khó có thể hiểu hoặc tạo ra những ẩn dụ mới mẻ và độc đáo mà không rơi vào sự máy móc hoặc sáo mòn.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt trong thơ ca, thường dựa trên sự trực giác và cảm hứng bất ngờ. Con người có khả năng phá vỡ những quy tắc, sáng tạo ra hình ảnh mới lạ, hoặc dùng ngôn từ một cách tinh tế để gợi mở ý nghĩa. AI chỉ có thể dựa vào các mẫu đã học và khó có khả năng tạo ra những biểu đạt độc đáo mà không dựa trên dữ liệu trước đó. Và các bài thơ do AI tạo ra có thể lặp lại những ý tưởng, hình ảnh và cách diễn đạt đã quá quen thuộc. Điều này dẫn đến sự nhàm chán và thiếu tính đột phá trong sáng tác.
Thơ ca thường phản ánh đặc điểm văn hóa, lịch sử và xã hội cụ thể của một thời đại hoặc một vùng đất. AI không thể hiểu rõ được các sắc thái văn hóa này và có thể gặp khó khăn trong việc phản ánh chúng một cách chân thực và tinh tế trong thơ. Con người sáng tác thơ trong một bối cảnh văn hóa, lịch sử, và xã hội cụ thể. Những bài thơ hay thường phản ánh các yếu tố văn hóa đặc trưng, tinh tế của một dân tộc hay một thời kỳ. AI chỉ hiểu ngôn ngữ dựa trên dữ liệu thu thập, mà không hiểu được ý nghĩa ẩn sau những yếu tố văn hóa và bối cảnh đó. Mặc dù AI có thể sản xuất ra những bài thơ có cấu trúc tốt, nhưng khó có thể thay thế sự tinh tế và cảm xúc của thơ do con người viết.
Công nhận khả năng văn xuôi, khả năng phê bình và dịch thơ sang ngôn ngữ khác của AI, PGS. TS Vũ Nho cho rằng, AI là một thành tựu khoa học, nó là một công cụ tốt, AI có thể giúp cho chúng ta sáng tạo trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn chương. AI làm thơ rất nhanh, thời gian tính bằng giây cho thấy ưu thế về mặt này so với con người, dù đó là nhà phê bình, nhà thơ hay nhà văn tài ba.
“AI có thể làm thơ và không đến nỗi dở hay ngô nghê, có thể nó không xuất sắc, độc đáo, không hay bằng các nhà thơ tài năng nhưng vẫn khá hơn so với những nhà thơ trung bình. Tôi e rằng những bài thơ AI làm hộ con người, họ đem gửi một số tòa soạn chắc sẽ được dùng vì thơ của chúng ta nhiều nhưng những bài xuất sắc thì đâu có nhiều”, PGS. TS Vũ Nho nói.
Tuy vậy, PGS. TS Vũ Nho nhấn mạnh, con người mới là yếu tố quyết định, những nhà thơ nhà văn, nhà phê bình ưu tú không sợ sự cạnh tranh của AI, nếu họ sử dụng AI một cách hợp lý, sáng tạo chắc chắn sẽ tạo ra những tác phẩm thú vị, đặc sắc.
Phân tích vấn đề từ góc nhìn của một người đã có nhiều trải nghiệm với AI, nhà văn Đức Anh cho rằng, một tác phẩm văn học chứa đựng 5 yếu tố: khách thể sáng tạo, chủ thể sáng tạo, không gian nghệ thuật, mã văn hóa và tu từ. Còn đối với AI, AI cũng có khách thể sáng tạo, có tu từ, đôi khi có mã văn hóa nhưng có hai thứ nó không có được chính là chủ thể sáng tạo và không gian nghệ thuật.
“Thơ của AI không có sự hiện diện của chủ thể sáng tạo mà đây lại là điều quan trọng nhất trong thơ ca. Tất cả các bài thơ mà trí tuệ nhân tạo hiện giờ đang viết rất ổn ở mức luận đề nhưng ngoài đề tài mà người dùng đưa cho nó ra thì nó không thể mở rộng được thêm điều gì khác”, nhà văn Đức Anh chia sẻ.
Buổi sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho các tác giả kiến thức, kỹ năng cần thiết về AI.
Có thể thấy, AI đang dần phổ biến trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nó giúp nghệ sĩ sáng tạo, không bị bó buộc bởi ý tưởng, thời gian, kinh phí… tuy nhiên, việc sử dụng AI thế nào và trong trường hợp nào để không ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả và những nghệ sĩ chân chính là điều cần được cân nhắc.
Theo nhà văn Vinh Huỳnh, AI trong văn học đặt ra những câu hỏi về tính xác thực và vai trò sáng tạo của con người trong bối cảnh sáng tạo. Các tác giả có thể suy ngẫm về tác động của AI đối với tác phẩm của họ và tầm quan trọng chủ quyền của tác giả. Theo nhà văn, đến nay, AI vẫn chưa đủ khả năng sáng tạo cao cấp như một nhà văn sâu sắc, lịch lãm nhưng sức tái tạo của nó cũng đủ làm chúng ta kinh ngạc.
Các ý kiến tại buổi sinh hoạt thống nhất cho rằng, trong tương lai gần, có thể có sự cạnh tranh giữa trí tuệ nhân tạo và con người nhưng điều đó chỉ xảy ra ở một mức độ nào đó chứ nó không thể đe dọa bởi vì con người vẫn là chủ thể sáng tạo và trí tuệ nhân tạo vẫn là do con người sinh ra.
Huyền Thương (Thời báo Văn học nghệ thuật)
Nguồn: https://baophutho.vn/gioi-han-ma-tri-tue-nhan-tao-ai-khong-the-cham-den-khi-lam-tho-222786.htm