Tân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ, được thành lập năm 2007, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Thanh Sơn. Huyện có dân số 89 nghìn người, trong đó 83,5% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số Mường, Dao, Mông,… sinh sống tập trung tại 17 xã và 172 khu dân cư.
Nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mường huyện Tân Sơn được giới thiệu, quảng bá ở Lễ hội Đền Hùng.
Xuyên suốt quá trình lịch sử xây dựng và phát triển từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước, qua nhiều lần thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính, vùng đất cổ Tân Sơn có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đặc sắc. Xuất phát từ đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất lập mường, giữ bản qua hàng nghìn năm lịch sử của đồng bào các dân tộc thiểu số, đã kiến tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn như: Tiếng nói, nhà ở, ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng dân gian chàm đuống, hát ví, hát rang, cồng chiêng, múa mỡi, lễ hội xuống đồng, Tết doi, lễ rước vía lúa, tục cúng cơm mới, tục gác cày bừa, tục cưới xin, ma chay truyền thống của đồng bào dân tộc Mường; nghệ thuật diễn xướng dân gian múa Chuông, múa Sinh Tiền, Lễ cấp sắc, Tết nhảy, hát páo dung, các bài thuốc nam dân gian của đồng bào dân tộc Dao; Múa khèn, thổi Khèn, kèn lá, tập quán tang ma, cưới xin của đồng bào dân tộc Mông…
Cùng với hệ thống di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, Tân Sơn còn được ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh độc đáo như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn – một trong 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam với hệ động, thực vật phong phú, rừng nguyên sinh, hang động, thác nước, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hùng vĩ; đồi Chè Long Cốc được mệnh danh là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam; Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh Khu kinh tế thanh niên Minh Đài gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội ở miền Bắc những năm 1970; hang Giót Đồng Sơn; đèo Cón Thu Cúc; đền Cửa Thánh, khe Dang Thạch Kiệt; Làng nghề chè truyền thống Mu Vố xã Mỹ Thuận; Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Chiềng xã Kim Thượng.
Kho tàng di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên là nguồn tài nguyên giàu giá trị, lợi thế để huyện Tân Sơn phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh… Xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ huyện Tân Sơn đã chủ động ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kết luận lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, nhằm thực hiện mục tiêu “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững”.
Du khách trải nghiệm múa sạp cùng đồng bào dân tộc Dao, Mường. Ảnh: Ngọc Bích
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết thông qua Kế hoạch bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn giai đoạn 2019-2025.
Huyện đã và đang thực hiện đồng bộ các chính sách đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho trên 2.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức; thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống tại 100% khu dân cư, các đơn vị trường học; phát động, tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống; đẩy mạnh Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện hương ước quy ước khu dân cư; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên các nền tảng xã hội.
Cùng với đó, huyện tập trung quan tâm bảo tồn, phục dựng, duy trì tổ chức lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như: Lễ hội xuống đồng, Tết doi, lễ rước vía lúa xã Thu Cúc; lễ hội đền Cửa Thánh xã Thạch Kiệt; lễ hội rước vía lúa xã Kiệt Sơn; ngày hội văn hóa ẩm thực truyền thống xã Tân Phú. Bảo tồn, phục dựng di tích đền Vía Lúa (xã Thu Cúc), đền Cửa Thánh (xã Thạch Kiệt), đền Mường Kịt (xã Kiệt Sơn), đền Tằn (xã Minh Đài).
Huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Tân Sơn đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao, Nghề Dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.
Song song với đó, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác, giai đoạn từ năm 2020-2024, huyện đã quan tâm bố trí trên 30 tỷ đồng ưu tiên xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng mới 29 nhà văn hóa, sửa chữa nâng cấp 20 nhà văn hóa, mua sắm trang thiết bị cho 60 nhà văn hóa các khu dân cư; hỗ trợ tập luyện và mua sắm trang thiết bị hoạt động, trang phục biểu diễn cho gần 70 đội văn nghệ truyền thống; hỗ trợ nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số mở 6 lớp truyền dạy di sản văn hóa cho những người kế cận.
Cùng với quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, huyện đã chú trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội. Kế thừa kết quả Đề án Phát triển kinh tế phục vụ Du lịch giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 17/01/2022 về phát triển du lịch huyện Tân Sơn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó quan tâm thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng phát triển các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; đổi mới có hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, điểm đến du lịch Tân Sơn, thu hút khách du lịch lưu trú; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng với yêu cầu phát triển.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã quan tâm lồng ghép các nguồn lực để ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng cơ bản (điện, đường, trường, trạm) tại các xã vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn; đầu tư mở một số tuyến đường giao thông góp phần phát triển du lịch như: Đường Long Cốc – Xuân Đài; đường Tân Phú – Xuân Đài; đường Kiệt Sơn – Xóm Cỏi (đi vào khu du lịch Xuân Sơn từ phía Tây Nam); đường nội vùng từ trung tâm Vườn Quốc gia Xuân Sơn đi Xóm Lấp; đường du lịch từ hang Thổ Thần đi hang Na và thác nước; đường giao thông nông thôn xóm Lấp, xóm Cỏi, xóm Lạng. Huyện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư xóm Dù, xã Xuân Sơn.
Cùng với đó, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Đề án Phát triển Du lịch cộng đồng sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Sơn đến năm 2025. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch sinh thái cộng đồng xóm Dù; xây dựng một số mô hình tạo điểm nhấn phục vụ du khách tham quan như “Đường hoa du lịch Xuân Sơn”; xây dựng mô hình hỗ trợ các hộ dân tại xã Long Cốc, Xuân Sơn phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với du lịch sinh thái; đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch đến từng thành viên của các homestay.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để hình thành phong phú các sản phẩm du lịch, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho Nhân dân, huyện đã và đang thực hiện chủ trương kết nối chặt chẽ hoạt động phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng sản phẩm văn hóa, sản phẩm kinh tế nông nghiệp, sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng phục vụ du lịch; hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển du lịch theo mô hình bền vững, cộng đồng người dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch; cải tạo cảnh quan môi trường làng bản xanh- sạch – đẹp; bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện nay, tại 2 xã Long Cốc và Xuân Sơn đã thành lập được 17 homestay từ các hộ dân đồng bào dân tộc Mường, Dao.
Để phát triển sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch, huyện quan tâm triển khai hiệu quả chương trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm OCOP như: Chương trình nuôi gà nhiều cựa, gà ri, gà đồi, vịt suối, lợn lửng, lợn rừng lai, ong lấy mật và chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, dê; sản xuất chè xanh chất lượng cao,…
Các địa phương chú trọng bảo tồn chế biến các sản phẩm ẩm thực truyền thống như: Cỗ lá, cơm lam, xôi nhiều màu, rêu đá, cá suối, rau xôi, thịt chua, cá thính, rượu ngô, rượu cần, rượu hoẵng, rượu cẩm, rượu ống… bánh ú, bánh nẳng, bánh trứng kiến; quan tâm sản xuất các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc dân tộc từ nghề dệt thổ cẩm (quần, áo, khăn, túi, chăn, gối, đệm…), đan lát thủ công và dụng cụ phục vụ sản xuất (gùi, bao dao, ớp, nỏ, khung cửi…) phục vụ du lịch.
Với những giải pháp, biện pháp cụ thể, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của huyện Tân Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện đã xây dựng được 3 điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Điểm du lịch cộng đồng bản Dù, điểm du lịch sinh thái cộng đồng bản Cỏi, điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc. Các giá trị, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả; hoạt động du lịch từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, lượng khách du lịch đến huyện Tân Sơn liên tục tăng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho nhân dân địa phương.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Sơn tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được đầy đủ nội dung, ý nghĩa, lợi ích của việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, du lịch; tăng cường ứng dụng khoa học- công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý bảo tồn di sản, phát triển du lịch.
Tiếp tục huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo di tích; nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phi vật thể. Quan tâm xây dựng và hoàn thiện quy hoạch các khu, điểm du lịch. Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật thương mại, du lịch, dịch vụ, cảnh quan môi trường theo hướng đồng bộ. Xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, du lịch tâm linh gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá… Khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng dân cư làm du lịch; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư về du lịch, văn hóa, phấn đấu xây dựng Xuân Sơn thành Khu Du lịch Quốc gia vào năm 2030.
Nguyễn Xuân Toản
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn
Nguồn: https://baophutho.vn/huyen-tan-son-chu-trong-bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc-gan-voi-phat-trien-du-lich-222800.htm