Yên Lương là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, theo Quốc lộ 70B, cách trung tâm huyện hơn 30km; phía Bắc giáp xã Hương Cần, Tân Lập; phía Nam giáp xã Yên Sơn phía Đông giáp xã Yên Lãng; phía Tây giáp xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình). Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xã Yên Lương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc bảo tồn các giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa chiến lược.
CLB văn hóa dân tộc Mường xã Yên Lương biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào du khách tại Lễ hội Đền Hùng
Yên Lương hiện có 5 dân tộc anh cùng chung sống gồm: Dân tộc Mường, Kinh, Dao, Thổ, Nùng, trong đó dân tộc Mường chiếm gần 70% dân số. Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 của huyện Thanh Sơn và thực hiện Dự án 6 Chương trình 1719, xã Yên Lương đã triển khai sưu tầm, bảo quản văn hóa vật thể và hoạt động phi vật thể với sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn như: Tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường như múa bông, múa sênh tiền, diễn xướng cồng chiêng, hát ví, hát rang, các trò chơi dân gian, văn hóa ấm thực, công cụ sản xuất, trang phục của người Mường hiện được lưu giữ tại các gia đình và các khu dân cư.
Là địa phương có phong trào văn hóa văn nghệ dân gian rất sôi nổi, từ khi CLB văn hóa dân tộc Mường đi vào hoạt động đã làm “điểm” trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc cho cả huyện. Tháng 4/2018, CLB văn hóa dân tộc Mường được thành lập và ra mắt với 35 thành viên. CLB đã nhiều lần đi trình diễn, tổ chức cũng như tham gia các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Các màn biểu diễn đặc trưng của CLB là múa bông, múa sênh tiền, diễn xướng cồng chiêng, hát ví, hát rang…
Tiết mục diễn tấu cồng chiêng là tiết mục nổi bật nhất được trình diễn của CLB. Thông qua việc biểu diễn, trang phục dân tộc Mường cũng được thể hiện một cách đặc sắc đến người xem. Hiện nay thành viên cao tuổi nhất của CLB sinh năm 1958, thành viên trẻ tuổi sinh năm 1989 và đang tiếp tục kết nạp thêm những người trẻ làm lớp kế cận. Các nghệ nhân, người đi trước là những “pho tư liệu sống” truyền dạy những nét văn hóa, những làn điệu cho thế hệ sau tiếp tục phát huy.
Đồng chí Đinh Văn Phong- Chủ tịch UBND xã Yên Lương, Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB được thành lập đã huy động nguồn lực của toàn xã hội thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số, đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước”. CLB hiện duy trì sinh hoạt thường xuyên mỗi quý một lần và tham gia biểu diễn văn nghệ trong các dịp Lễ, Tết, hội họp…; trưng bày nhạc cụ, công cụ lao động, sản xuất của các dân tộc tại các trường học nhằm giáo dục truyền thống dân tộc cho các em học sinh. Ngoài ra, CLB còn cử các thành viên tham gia lớp tập huấn do huyện tổ chức.
CLB văn hóa dân tộc Mường nhiều lần nhận được những lời đề nghị giao lưu, lưu diễn cả trong và ngoài huyện, tỉnh, nhận được sự ủng hộ lớn từ bà con Nhân dân. Việc thành lập CLB văn hóa dân tộc Mường đã khôi phục được văn hóa dân tộc, từ đó làm tiền đề để giữ gìn và phát triển các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Mường, năm 2022, UBND xã Yên Lương đã xây dựng Kế hoạch Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc khác trên địa bàn xã Yên Lương năm 2022. Việc tuyên truyền giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn được thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh xã và qua các cuộc họp khu dân cư.
Thùy Dương
K66 khoa Ngôn ngữ học Trường Đại học KHXH&NV
Nguồn: https://baophutho.vn/xa-yen-luong-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-qua-mo-hinh-clb-van-hoa-dan-toc-muong-221641.htm