Xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn có 86% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Cùng với tiếng nói, trang phục, ẩm thực, công cụ lao động…thì nghệ thuật trình diễn dân gian và các giá trị văn hoá độc đáo khác đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng có. Những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Mường nơi đây đã và đang được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống và trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Đồng bào Mường tham gia diễn tấu cồng chiêng bên nếp nhà sàn truyền thống
Cùng với những nét văn hóa độc đáo được lưu giữ qua nhiều đời, đồng thời thực hiện tốt Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025”, nhiều vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động của đồng bào Mường ở Khả Cửu đã được sưu tầm và lưu giữ. Bên cạnh đó, các CLB Văn hóa dân tộc Mường cũng đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chị Đinh Thị Thanh Hà – Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ nhiệm CLB văn hóa dân tộc Mường xã Khả Cửu chia sẻ: Hiện xã có 15 CLB Văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc khác với hơn 200 thành viên, trong đó có 14 CLB của các khu dân cư. Các thành viên CLB văn hóa dân tộc Mường là những nhân tố tích cực tham gia vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các CLB văn hóa dân tộc Mường trong xã đang hoạt động hiệu quả, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, đồng thời tạo điểm nhấn để Khả Cửu thu hút khách du lịch.
Những khung cửi trong Không gian văn hóa Mường tại bản Chuôi
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, người dân Khả Cửu còn chú trọng gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống gồm : Lưu giữ các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như Rổ, ớp, hông xôi, cối giã gạo, lãi hái lúa nương… Trong đó, ẩm thực của đồng bào Mường nói chung, đồng bào Mường ở Khả Cửu nói riêng rất đa dạng, phong phú, được nhiều người biết đến như xôi ngũ sắc, cơm lam, măng, rau đồ, cá suối nướng và vẫn giữ được hương vị, nét độc đáo riêng có.
Tại nhiều khu dân cư, vẫn đang lưu giữ được những chiếc Đuống – đây là một vật dụng sinh hoạt xưa của người Mường dùng để giã lúa nương. Ngày nay, Đuống được biến đổi thành một loại nhạc cụ dân tộc, được sử dụng trong đời sống sinh hoạt của người dân nhất là vào dịp lễ, tết, hay những công việc quan trọng trong bản làng, mỗi khi vào dịp lễ hội.
Món xôi ngũ sắc được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của phụ nữ Mường Khả Cửu
Năm 2023, ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường đã được dựng tại UBND xã, nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ và người dân trong xã đóng góp. Những chiếc chiêng, đuống và nhiều vật dụng truyền thống được mang tới lưu giữ, trưng bày trong ngôi nhà sàn truyền thống này. Bên nếp nhà sàn, các thành viên CLB Văn hóa dân tộc Mường thường trình diễn các điệu hát ví, diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống… trong những dịp lễ, tết…
Huyện Thanh Sơn đang tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khả Cửu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Hình ảnh bản làng vùng cao với những cọn nước, nhà sàn truyền thống gắn liền với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mường tại các hộ dân ở Khả Cửu là lợi thế để huyện lựa chọn đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Nét đẹp văn hóa Mường ở Khả Cửu đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm, tìm hiểu.
Đặc biệt những mái nhà sàn, những chiếc cọn nước hay những gian bếp có ảnh nắng xuyên qua vách nứa và những người phụ nữ Mường chế biến món xôi ngũ sắc đã thu hút rất đông nhiếp ảnh gia khắp mọi miền đất nước và hàng trăm nhiếp ảnh gia các nước Ấn độ, Nhật, Canada, Hàn Quốc… đến ghi lại những hình ảnh lưu giữ nét đẹp trong văn hóa Mường ở Khả Cửu, góp phần quảng bá du lịch Thanh Sơn đồng thời cũng là động lực để người dân Khả Cửu thêm yêu và cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa Mường; nhân lên những giá trị độc đáo trong phát triển du lịch cộng đồng
Phương Thanh
Nguồn: https://baophutho.vn/kha-cuu-giu-gin-net-dep-van-hoa-muong-221001.htm