Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Tam Nông có những bước phát triển nổi bật, tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới do thanh niên làm chủ, gây dựng cơ nghiệp riêng, trở thành những tấm gương sáng cho cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Vườn hồng Hùng Thịnh của anh Đào Mạnh Hùng ở khu 9, xã Lam Sơn trở thành điểm thăm quan, học tập kinh nghiệm của ĐVTN quanh vùng.
Tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp phải kể đến tấm gương của ĐVTN Phạm Văn Hưng sinh năm 1994 ở khu 7, xã Thanh Uyên. Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học (Trường Đại học Lâm nghiệp), năm 2016, từ số tiền 70 triệu đồng vay nguồn vốn 120 thuộc kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của gia đình, anh Hưng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất phôi nấm giống các loại.
Sau những mẻ phôi hỏng do thiếu kinh nghiệm, anh vừa làm vừa học hỏi và đã từng bước thành công. Nhà xưởng mở rộng từ 400m2 lên gần 1.000m2 chuyên ươm phôi nấm sò, nấm linh chi… Không dừng lại ở đó, năm 2020, anh bắt tay vào nghiên cứu, nuôi trồng và sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo với công nghệ tiên tiến ngay tại địa phương. Năm 2022, anh đứng ra thành lập HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold với bảy thành viên do anh làm giám đốc.
Anh Phạm Văn Hưng chia sẻ: “Nhận thấy lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, HTX đã đăng ký xây dựng thành công sản phẩm Đông trùng hạ thảo Bio Gold và sản phẩm Đông trùng hạ thảo cà gai leo được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm do HTX sản xuất ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh với giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng. Trừ chi phí mỗi năm HTX thu lãi từ 220-250 triệu đồng, giải quyết việc làm cho gần chục lao động địa phương với thu nhập ổn định”.
Với mong muốn gây dựng cơ nghiệp ngay trên đồng đất quê hương, thanh niên 8X Đào Mạnh Hùng ở khu 9, xã Lam Sơn đã quyết định rời bỏ công việc ở thành phố để về quê cải tạo đất vườn đồi ươm trồng các giống hồng ngoại khi 27 tuổi. Nhìn lại chặng đường gắn bó với nghề ươm trồng hoa hồng gần 10 năm qua, anh nhận ra trồng hồng không chỉ đơn thuần là niềm yêu thích mà đó chính là loài hoa vực dậy cuộc đời anh, giúp anh khởi nghiệp, lập nghiệp thành công.
Anh Hùng tập trung trồng các giống hồng cổ, quý hiếm. Để có được giống chất lượng, anh lặn lội đi khắp tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, bỏ công tìm hiểu, thậm chí tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ để có được cây giống chất lượng.
Dù gặp không ít khó khăn, nhưng anh Hùng vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Đến nay, vườn hồng của gia đình đã ươm trồng thành công 100 giống hồng ngoại với khoảng 5.000 cây thương phẩm, cây giống trên tổng diện tích 16.000m2. Vườn hồng không chỉ giúp gia đình anh thoát khỏi cảnh nghèo khó mà còn vươn lên làm giàu thu về lợi nhuận mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động quanh vùng và trở thành điểm thăm quan, checkin được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện Tam Nông đang hằng ngày cần mẫn làm giàu cho bản thân, gia đình và góp sức trẻ xây dựng quê hương. Thực hiện phong trào đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn Tam Nông đã tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên; chỉ đạo các cơ sở đoàn, hội thành lập các câu lạc bộ, nhóm thanh niên phát triển kinh tế cùng lĩnh vực, cùng sở thích để chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp nhau trong sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm…
HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold mang lại lợi nhuận cao, góp phần giải quyết việc làm cho gần chục lao động địa phương.
Đồng chí Phan Thị Kim Hoa – Bí thư Huyện đoàn Tam Nông cho biết: “Chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xóa đói giảm nghèo trong ĐVTN thời gian qua được quan tâm kịp thời. BTV Huyện đoàn đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện kiểm tra nguồn vốn vay từ các tổ tiết kiệm và vay vốn do thanh niên quản lý; hướng dẫn cơ sở quản lý và phát huy có hiệu quả nguồn vốn ủy thác. Huyện đoàn đang phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện quản lý 50 tổ tiết kiệm và vay vốn, tín chấp cho vay cho hơn 1.700 hộ vay với tổng dư nợ trên 75 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ưu đãi này được các ĐVTN đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng những tổ nhóm phát triển kinh tế…”.
Với tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều ĐVTN trong huyện đã vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò, vị thế của mình góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền, sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của chính các bạn trẻ.
Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế về vốn vay, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thanh niên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát huy tinh thần tuổi trẻ trong xây dựng quê hương.
Hồng Nhung
Nguồn: https://baophutho.vn/suc-tre-vuot-kho-lam-giau-220699.htm