Những năm qua, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh đã tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Mô hình sản xuất nấm bào ngư của hộ bà Nguyễn Thị Minh Nhâm, khu 5, xã Phù Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với lợi thế địa phương giáp với thành phố Việt Trì, có hệ thống đường giao thông thuận lợi, xã đã khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng để phát triển đa dạng các ngành nghề và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc xử lý, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động được chú trọng. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn được quan tâm.
Từ những việc làm thiết thực, dù còn nhiều khó khăn, song hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã được duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá. Các ngành nghề sản xuất ngày càng đa dạng, tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao như: Cơ khí gò hàn, gia công nhôm kính, đồ mộc, sửa chữa ô tô, xe máy, kinh doanh hàng tạp hóa, may mặc, bao bì, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, hoa cây cảnh… Hiện nay, toàn xã có 474 hộ đang sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực trên, 89 hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp và hoa, cây cảnh…
Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xã thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng; đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đời sống Nhân dân. Chú trọng phát triển mạng lưới thương mại đồng bộ, trong đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hộ cá thể, các đại lý tiêu thụ sản phẩm; mở rộng hình thức kinh doanh, liên doanh, liên kết, trao đổi hàng hóa, nhất là các loại vật tư xây dựng, vật tư nông nghiệp, nông sản thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu…
Song song với đó, xã tập trung phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm được thực hiện hiệu quả. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất cao được đưa vào sản xuất như: Trồng nấm bào ngư xám, nuôi hươu lấy nhung, nuôi gà lai… Hệ thống kênh mương, thủy lợi, đường giao thông nội đồng được đầu tư đồng bộ, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung. Toàn xã hiện duy trì ổn định 160ha trồng lúa, 110ha trồng rau, màu các loại… Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 68 triệu đồng. Ngoài ra, xã quan tâm hỗ trợ các đối tượng, tổ chức tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh… tham gia hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đồng chí Khuất Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã có bước tiến vững chắc. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,95%, tỷ lệ hộ cận nghèo 0,78%… Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; số hộ có thu nhập ổn định và khá ngày càng tăng, góp phần thay đổi diện mạo xã nông thôn mới khang trang, hiện đại.
Thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư phát triển đa dạng các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ; thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng điểm trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm các giải pháp giảm nghèo bền vững, sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ Nhân dân phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.
Hà Nhung
Nguồn: https://baophutho.vn/tang-thu-nhap-cho-nguoi-dan-220437.htm