Chủ trương phát triển kinh tế đồi rừng đã được huyện Yên Lập xác định, thực hiện từ những nhiệm kỳ trước và đạt nhiều kết quả quan trọng, giá trị kinh tế năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Nhiệm kỳ này, huyện tiếp tục coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, được cụ thể hoá bằng Nghị quyết 42-NQ/HU, ngày 12/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Nghị quyết).
Người dân xã Phúc Khánh tập trung phát triển cây bưởi để nâng cao giá trị kinh tế.
Căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, UBND huyện đã xây dựng, ban hành các kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc sản xuất thuộc các lĩnh vực chuyên ngành; tăng cường kiểm tra, kịp thời bổ sung các nhiệm vụ, điều chỉnh giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết…
Để Nghị quyết đi sâu vào cuộc sống, được triển khai khẩn trương, hiệu quả, UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã chủ động bám sát định hướng, kế hoạch của huyện để cụ thể hóa thành các kế hoạch, chỉ tiêu, mục tiêu của đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Thực hiện chủ trương của huyện, UBND các xã, thị trấn đã xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển kinh tế đồi rừng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, xác định mục tiêu trọng tâm để chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả.
Đồng chí Đinh Tiến Duật – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung chia sẻ: “Triển khai thực hiện chỉ đạo của huyện về phát triển kinh tế đồi rừng, tiếp tục khuyến khích phát triển cây dược liệu, bên cạnh tạo thuận lợi cho người dân phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất, xã đã vận động người dân chuyển đổi giống cây dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thị trường tiêu thụ, phấn đấu đến năm 2025, diện tích ba kích trồng dưới tán rừng đạt 25ha và duy trì sản xuất một số loại dược liệu khác”.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Lập cũng tích cực khai thác thế mạnh, chuyển đổi cây trồng theo định hướng, chỉ đạo của huyện và tình hình thực tế. Các xã: Thượng Long, Trung Sơn, Xuân An, Phúc Khánh, Xuân Thủy, Nga Hoàng… đã tích cực mở rộng diện tích trồng, hình thành vùng trồng quế tập trung. Các xã có diện tích rừng sản xuất lớn như: Trung Sơn, Mỹ Lương, Xuân Viên, Minh Hòa… tập trung phát triển cây gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế. Phát huy lợi thế, các xã: Xuân Thủy, Phúc Khánh, Ngọc Lập, Đồng Thịnh… chú trọng mở rộng, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế cây ăn quả…
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chung tay của người dân, đến nay, Yên Lập đã có 7/8 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết, đặc biệt là các chỉ tiêu về bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng quế; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, toàn huyện đã trồng và chuyển hóa 1.326,5ha rừng cây gỗ lớn, đạt 110,5% mục tiêu Nghị quyết; diện tích trồng quế tập trung đạt trên 3.000ha (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 là 2.500ha); tổng diện tích cây ăn quả là 919ha, đạt 114,9% mục tiêu Nghị quyết, trong đó gần 19ha bưởi được cấp chứng nhận VietGAP, 112ha bưởi và cam được cấp mã số vùng trồng…
Đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, thời gian tới, huyện Yên Lập tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Trung, huyện tập trung chỉ đạo áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp, hộ nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, quan tâm bố trí, sử dụng các nguồn vốn để nâng cao, hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, tạo thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ, thu hút đầu tư vào các ngành chế biến nông, lâm sản trên địa bàn…
Lệ Oanh
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-kinh-te-doi-rung-o-yen-lap-220218.htm