Về khu Bến Thân, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn vào những ngày cuối tháng 9 – nơi đây được bao phủ bởi rừng già trong hệ thống rừng Quốc gia Xuân Sơn. Lội qua con suối được người dân gọi là suối Láo, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà sàn đơn sơ của chị Triệu Thị Thơm – người dân tộc Dao làm nghề hái lá thuốc được hơn 10 năm. Vừa đúng lúc chị đang xới đất trồng củ dòm ở chân núi sau nhà – thứ củ được người Dao nơi đây gọi là “Đòm Sĩ”.
Từ lâu, người Dao ở đây đã biết đến củ dòm và sử dụng như một thứ dược liệu quý. Củ dòm được bà con tận dụng cả củ và lá để làm thuốc. Với tính hàn, vị đắng chát, củ dòm có công năng giải độc, thanh nhiệt, tán ứ. Củ dòm được dùng để làm thuốc trị xương khớp, chữa đau đầu, đau bụng, sốt rét, giải độc, hỗ trợ mát gan… Một số vùng, người dân sử dụng củ dòm để trị kiết ly, đau dạ dày, đau bụng kinh niên, trị chứng mất ngủ dai dẳng. Lá củ dòm đun nước tắm cho trẻ có tác dụng trị rôm sảy, mụn nhọt…
Đối với người Dao ở Tân Sơn, củ dòm được bà con coi như dược liệu “vàng” bởi rất hiếm và không dễ dàng đào được. Là loại cây dạng dây leo có phần thân màu xanh nhạt dài từ 2,5-4m, phần rễ củ nằm ngang, mọc ngầm ở dưới mặt đất, củ dòm có hình dáng thon dài, giống như tư thế gà mái đang ấp trứng nên còn được gọi là “Củ gà ấp”.
Để có thể tìm được thứ dược liệu quý này, từ lúc sương sớm còn bao phủ khắp xóm làng, những người đi tìm củ dòm sẽ chuẩn bị một con dao dài, một cái thuổng, túi tải đeo sau lưng, một ít đồ ăn thức uống rồi cùng nhau lên núi Cẩn tìm hái lá, đào củ và trở về nhà khi trời đã tối mịt. Củ dòm thường mọc ở rừng già, được tìm thấy ở các khu vực rừng ẩm, trên núi đá vôi với độ cao 300-800m giống địa hình núi Cẩn, mọc sâu dưới lòng đất khoảng 30cm. Nhờ dây lá mọc lên khỏi mặt đất, sẽ xác định được vị trí củ mọc ở đâu.
Điều đặc biệt của củ dòm là mọc có đôi, sinh có cặp nên đồng bào Dao thường gọi theo phồn thực là củ đực, củ cái. Nếu đã đào được một củ thì chắc chắn sẽ có củ thứ hai mọc đối xứng gần đó. Nếu không tìm được đủ một cặp, ít lâu sau, củ dòm sẽ có quả và hạt. Hạt củ dòm rơi xuống mọc thành củ con. Cách để phân biệt là củ cái có hình dáng to hơn, tròn hơn, còn củ đực thuôn dài, nhỏ hơn.
Ngày trước, khi chưa có nhiều người đi tìm kiếm củ dòm, người dân nơi đây hay đào được những củ mọc ở dưới chân núi. Khi nhiều người biết đến công dụng chữa bệnh, bà con trong làng lên núi săn tìm nên sau này có khi đi 1-2km đường rừng mới có thể tìm thấy và đào được củ to.
Băng rừng, lội suối, chúng tôi phải căng mắt quan sát, lần tìm thứ dược liệu quý mọc sâu trong rừng hay trên vách đá cheo leo. Hôm nay quả là may mắn khi lần đầu theo chân đi rừng, tôi đã đào được củ dòm.
“Có ngày mưa ẩm ướt, đường núi rừng trơn như đổ mỡ, chị em chúng tôi phải bấm chân mà đi, có khi đi vài bước lại trượt chân ngã, chưa kể đá lăn xuống, đi không chắc chân cũng bị trượt ngã. Nguy hiểm nhất là lúc phải leo trèo, gặp nhiều rắn rết, vắt, muỗi bám đầy chân” – chị Thơm chia sẻ.
Mặc dù đi rừng đều nhưng 1 tháng bà con nơi đây cũng chỉ đào được khoảng 6 củ dòm. Người nào may mắn thì tháng nhiều nhất cũng chỉ đào được 8 củ.
Thông thường những ngày đi rừng, bà con nơi đây sẽ kết hợp hái một số loại lá thuốc quý, quả rừng như: Dứa rừng, tầm gửi… đem ra chợ phiên để bán cho người mua về làm thuốc nam. Với đồng bào Dao, có củ dòm trồng trong nhà, không khác gì để dành được thuốc quý. Kể cả không bán được, trồng càng lâu, củ càng có giá trị, lúc bấy giờ, đào lên điều chế thuốc uống rất tốt cho sức khỏe.
Bảo Thoa
Nguồn: https://baophutho.vn/thu-cu-co-doi-219761.htm