24 ngôi nhà nằm nép mình bên con đường uốn lượn men theo những quả đồi xanh ngát của núi rừng. Từng sống rải rác bên những dãy núi cao, nhiều đời leo lét bên ánh đèn dầu, nay đồng bào người Dao đã hạ sơn về Đá Cạn (xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn) quần tụ thành làng bản để xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Bản xa đã bừng lên sức sống mới, thanh bình từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của mỗi người dân.
Từ nuôi dê, mỗi năm gia đình ông Dương Trung Minh thu về khoảng 30.000.000 đồng.
Nếu như trước kia Đá Cạn với nhiều cái không: Không đường, không điện, không sóng di động; cư dân sống trong “vùng lõm” của địa phương về phát triển kinh tế- xã hội; tập quán canh tác nông nghiệp mang nặng tính tự cung tự cấp… Thì những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ đồng bộ của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) cùng quyết tâm, nỗ lực vượt khó của người dân đã dần tạo nên sự chuyển biến tích cực, cuộc sống ngày càng được cải thiện, nâng cao…
Trưởng khu Triệu Thị Chuyên kể: “Ngày trước, cứ đến thời điểm giáp hạt là dân bản lại đứt bữa vì chưa biết trồng giống lúa năng suất cao, áp dụng KHKT vào sản xuất. Nay người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và áp dụng những tiến bộ của KHKT vào canh tác nông nghiệp. Nhờ vậy, việc sản xuất có nhiều thuận lợi, năng suất, hiệu quả kinh tế từ cây trồng mỗi năm một tăng, chất lượng đời sống người dân tiến triển tốt. Dân bản đã không vào rừng chặt cây mà tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Trẻ em đến tuổi được đến trường, 100% được hưởng thẻ BHYT để chăm sóc sức khoẻ. Đến nay khu còn 10 hộ nghèo, không còn hộ đói”
Đá Cạn hôm nay đường ô tô chạy vào tận bản. Điện lưới quốc gia kéo về, xua tan đi bóng tối ảm đạm khi màn đêm buông xuống. Có điện, có đường, internet và có cả những đồng bào đang nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nắm bắt những tiến bộ khoa học – kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất; thấy được những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các địa phương khác để làm theo. Với nguồn nước ổn định từ dòng suối Cạn, bà con thâm canh tăng vụ, xen kẽ giữa trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi dê, bò, lợn, gà và trồng rừng sản xuất, dần dần từ bỏ thói quen phá rừng làm nương rẫy.
Nếu như trước đây, người dân ở Đá Cạn quen với tập quán thả rông gia súc, nay dân bản biết chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Điển hình như nhà ông Lý Văn Lịch và Dương Trung Minh, mỗi hộ nuôi trên 20 con dê. Đàn dê 20 con nhà ông Dương Trung Minh đang độ xuất bán, mỗi con nặng khoảng 10-13kg, với giá 130 nghìn đồng/kg. Ngoài nuôi dê, ông Minh còn đang nuôi 15 con dúi má đào và 6 cặp dúi sinh sản. Nhờ thay đổi tập quán chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của bản ngày một phát triển, góp phần tăng thêm thu nhập cho các gia đình.
Gia đình ông Minh nuôi dúi má đào sinh sản cho thu nhập ổn định
Đi sâu hơn vào trong bản, chúng tôi bắt gặp những nếp nhà khang trang ẩn hiện trong màu xanh của cây keo, bồ đề đã đến tuổi khai thác. Nhanh tay lật những cây vừng phơi trong mảnh sân trước nhà, chị Phùng Thị Liên kể: Vụ ngô vừa rồi mình thu cả trăm bao. Giống ngô mới nên hạt nào hạt nấy chắc mẩy, màu vàng bóng đẹp. Số ngô này tôi dành một phần để chăn nuôi gà, ngan, vịt, lợn…
Thắc mắc về cái tên Đá Cạn, Trưởng khu Triệu Thị Chuyên chia sẻ: Bản được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ XX do một số gia đình người Dao đi khai hoang men theo dòng suối và đến nơi đây, thấy đất đai màu mỡ, cắm rìu dựng trại làm nh, định canh, định cư theo Chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tôi nghe bố mẹ kể lại, để tiện có nước sinh hoạt, các hộ đào giếng lấy nước nhưng càng đào nước không thấy chỉ toàn đá là đá, nên từ đấy dân bản gọi là Đá Cạn. Nước sản xuất đều dựa vào nước trời. Nước sinh hoạt, dân bản dẫn từ núi Tu Tinh xuống. Đường ống nước, công trình nước tập trung, téc nước về đến hộ gia đình đều được Nhà nước đầu tư theo các chương trình, dự án hỗ trợ. Người dân trong bản có nhu cầu sẽ được đào tạo nghề miễn phí theo chính sách dân tộc như chăn nuôi, trồng trọt, thú y, may mặc… Các hộ được hỗ trợ giống, vốn, phân bón…
Nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cự. Tập quán canh tác lạc hậu dần được thay thế bằng các biện pháp thâm canh, tăng vụ, đưa các giống mới vào gieo trồng. Nếu như trước kia trồng lúa giống cũ, mỗi sào chỉ 3 bao, nay trồng giống mới được 5 bao. 1kg ngô giống cho năng suất tăng gấp đôi được 15 bao. Một số thanh niên trong độ tuổi lao động đã rời quê đi làm công nhân tại CCN Hoàng Xá, hay đi làm ăn xa có thu nhập khá cao. Trước kia vẫn còn các hộ không muốn thoát nghèo, nhưng nay, đồng bào tự nguyện đăng ký phấn đấu thoát nghèo, chủ động vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.
Tạm biệt Đát Cạn, khi nắng chiều dần tắt sau ngọn núi Cạn, xa xa văng vẳng tiếng mõ trâu đưa nhau về chuồng. Bên trong những ngôi nhà bếp đang đỏ lửa, chúng tôi trở về xuôi mang theo niềm vui của đồng bào khi chứng kiến bản xa đã bừng lên sức sống mới.
Thúy Hằng
Nguồn: https://baophutho.vn/suc-song-moi-noi-ban-xa-218228.htm