Cùng với nâng cao quản trị doanh nghiệp (DN), sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng, giúp DN giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là giải pháp tạo điều kiện để DN hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, bền vững.
Công ty CP Gemmy Wood (Cụm công nghiệp Tân Phú, huyện Tân Sơn) xây dựng nhà xưởng tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
Giảm chi phí, tăng hiệu quả
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng, tăng trưởng phụ tải điện liên tục ở mức cao, các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu… sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh.
Việt Nam đang thực hiện nghiêm túc chuyển đổi xanh trong toàn bộ nền kinh tế, hướng đến việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong hành trình đó, nhiều DN đã và đang tích cực thực hành tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất. Các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả được DN triển khai như: Bố trí quy trình sản xuất khoa học nhằm giảm tổn thất điện năng; cải tiến máy móc kỹ thuật, nâng cao hiệu suất hoạt động; áp dụng biện pháp cải tiến công nghệ, hợp lý hoá quá trình đốt nhiên liệu, gia nhiệt, làm lạnh và chuyển hoá nhiệt năng; giảm tổn thất nhiệt và điện năng trong quá trình truyền tải, phân phối, tiêu thụ điện năng; thu hồi năng lượng của chu trình thải để tái sử dụng…
Công ty CP Giấy Việt Trì chuyên sản xuất giấy bao bì, sản lượng trên 140.000 tấn sản phẩm/năm. Ông Trần Văn Mạnh – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty cho biết: “Công ty chú trọng đầu tư công nghệ, quy trình vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu suất; sử dụng động cơ có công suất phù hợp cho từng thiết bị, xây dựng chế độ vận hành phù hợp nhằm giảm phụ tải giờ cao điểm. Hiện nay, Công ty sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu sản xuất, trong đó, lượng lề tái sinh để sản xuất giấy bao bì chiếm 90% lượng nguyên liệu. Qua đó, góp phần giảm định mức nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng tiêu thụ cho sản xuất. Công ty cũng dừng sử dụng than để đốt lò hơi từ năm 2014 và chuyển sang sử dụng phụ phẩm từ gỗ”.
Dư địa về tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng (chiếm trên 60% lượng điện tiêu thụ của tỉnh) còn rất lớn do nhiều DN hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, công nghệ còn lạc hậu, dẫn đến hiệu suất năng lượng, hiệu quả sử dụng năng lượng chưa cao.
Việc áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách linh hoạt, đồng bộ với chiến lược rõ ràng sẽ giúp DN đạt được hiệu quả cao trong tiết kiệm chi phí năng lượng, tối đa lợi nhuận kinh doanh, tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại nhiều DN đã áp dụng biện pháp kỹ thuật, xây dựng nhà xưởng hợp lý nhằm sử dụng tối đa hiệu quả hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát; các công nghệ tự động hóa hiện đại như robot công nghiệp, hệ thống điều khiển tự động, dây chuyền sản xuất thông minh được đưa vào vận hành.
Công ty CP CMC (Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, ngói tráng men, sản lượng sản phẩm đưa ra thị trường khoảng 20 triệu m2/năm. Công ty thành lập Ban sáng tạo thực hiện nghiên cứu, tối ưu hóa các khâu trong quá trình sản xuất nhằm tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu, chi phí vận hành. Năm 2023, các chương trình và hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng Kaizen giúp Công ty tiết kiệm gần 30 tỷ đồng chi phí giá thành sản xuất.
Bà Vũ Thị Loan – Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Để sản phẩm tạo ưu thế vượt trội, đạt yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ, Công ty chú trọng đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ, máy móc tiên tiến, được tự động hóa cao, giúp giảm thiểu sai số, đảm bảo hoạt động ổn định, sử dụng năng lượng hợp lý”.
Đối với DN, thực hiện các giải pháp cải tiến sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho DN mà còn góp phần giảm nhập khẩu năng lượng, tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính. Đó cũng là cách để DN thể hiện sự chủ động thực hiện các trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.
Công ty CP CMC (Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì) tích cực đổi mới công nghệ, tự động hóa trong sản xuất, giúp giảm nguyên liệu, năng lượng tiêu thụ
Đồng hành với doanh nghiệp
Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ các DN ứng dụng, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; lồng ghép lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vào các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tư vấn, hỗ trợ cho DN các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; xây dựng các mô hình quản lý năng lượng, hỗ trợ kiểm toán năng lượng.
Từ năm 2018 đến nay, với các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, trên địa bàn tỉnh có hơn 60 dự án đổi mới công nghệ được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 20 tỉ đồng. Thông qua hoạt động đổi mới công nghệ, hàng chục công nghệ, quy trình được DN chuyển giao, hấp thu và làm chủ; ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh, giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên, nhiên liệu, năng lượng.
Kế hoạch số 3085/KH-UBND, ngày 11/8/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo đặt mục tiêu hàng năm toàn tỉnh tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Với các giải pháp đồng bộ trong tiết kiệm điện, năm 2023, sản lượng điện tiết kiệm toàn tỉnh đạt 83,78 triệu kWh, tương ứng với tỷ lệ tiết kiệm điện 2,21%, trong đó sản lượng điện tiết kiệm cho mục đích kinh doanh dịch vụ 2,7 triệu kWh, đạt 2,85%; sản lượng điện tiết kiệm cho mục đích sản xuất công nghiệp 48,97 triệu kWh, đạt 2,05%… Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện với tổng công suất 18 MW, phát triển 210 hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất trên 3.100kWp.
Ông Phạm Văn Chúc – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: “Cùng với thực hiện các giải pháp kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện, việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả có vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện ổn định, nhất là với cơ sở sử dụng điện trọng điểm. Năm 2024, Công ty đã ký biên bản thỏa thuận điều chỉnh phụ tải với 230/230 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Tăng cường công tác tuyên truyền, đề nghị các DN xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo sử dụng đúng công suất, biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm”.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, yêu cầu của thị trường các nước nhập khẩu đối với hàng hoá như dán nhãn các-bon, kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng ngày càng được đẩy mạnh. Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thời gian tới, cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển sản phẩm, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Về phía DN cũng cần chủ động cải tiến công nghệ, nhất là trong các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, loại bỏ năng lực sản xuất lạc hậu, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng thông qua đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng.
Nguyễn Huế
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 08/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Thao về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cận đô thị giai đoạn 2020 – 2025, thị trấn Lâm Thao đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp thực tiễn để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Sản phẩm cây hành xanh của HTX Nông nghiệp Hạt giống Đất Tổ, khu Ngọc Tỉnh được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao.
Do quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, đất sản xuất ngày càng thu hẹp, đặt ra yêu cầu cho cấp uỷ, chính quyền thị trấn Lâm Thao cần phát triển nông nghiệp cận đô thị theo hướng chuyên canh, tập trung sản xuất sản phẩm mang tính hàng hóa, tăng nhanh giá trị trên một đơn vị diện tích.
Với mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp gắn với thay đổi nhận thức của người nông dân, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển sản xuất, thị trấn tập trung rà soát quỹ đất, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết theo chủ trương gắn quy hoạch sản xuất nông nghiệp với quy hoạch chung của huyện, trong đó quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để phát triển theo hướng hàng hóa.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thị trấn khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các giống chất lượng, cho năng suất cao, đưa quy trình sản xuất theo hướng an toàn nhân rộng trong cộng đồng. Bố trí luân canh các loại cây trồng, tăng vụ sản xuất, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, diện tích đất vườn sang trồng các loại cây có giá trị, phù hợp thổ nhưỡng, khai thác triệt để, hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước… Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng là sản xuất rau xanh, quy hoạch thành các vùng sản xuất rau chuyên canh có diện tích lớn.
Từ lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất, kết hợp với lợi thế về giao thông thuận tiện, cửa ngõ giao lưu buôn bán với một số địa bàn có thị trường tiêu thụ lớn như: Việt Trì, Hà Nội, Yên Bái, nghề sản xuất rau xanh của thị trấn đã phát triển rộng rãi. Hiện thị trấn có nhiều hộ dân ở các khu Sơn Thịnh, Ngọc Tỉnh, Thắng Lợi đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng rau xanh.
Năm 2023, thị trấn đã có sản phẩm cây hành xanh đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Địa phương cũng đang tích cực phối hợp hoàn thành hồ sơ cấp mã số vùng trồng cho 2ha rau xanh ở khu Phương Lai, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đối với sản phẩm chuối sấy xuất khẩu.
Trong chăn nuôi, thị trấn chú trọng nâng cao giá trị các sản phẩm có lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển đàn vật nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời tăng cường tuyên truyền, thực hiện tiêm phòng vắc xin, khử trùng tiêu độc trên đàn vật nuôi.
Hiện thị trấn có tổng đàn bò 107 con, đàn lợn hơn 1.400 con, đàn gia cầm trên 14,6 nghìn con… Đồng thời, thị trấn khuyến khích phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, công nghiệp, thực hiện chuyển đổi những diện tích sâu trũng, trồng trọt kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kết hợp nuôi thả thủy sản… Đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên đất canh tác và nuôi trồng thuỷ sản của thị trấn đạt 160 triệu đồng/ha/năm.
Thời gian tới, thị trấn Lâm Thao tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất; thực hiện có hiệu quả kế hoạch khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa cận đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với thị trường tiêu thụ; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ tại địa phương; tiếp tục chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn; khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh… tham gia hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Phương Thảo
Nguồn: https://baophutho.vn/toi-uu-hoa-su-dung-nang-luong-217827.htm