Thị xã Phú Thọ nằm nép mình bên dòng sông Thao nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản quê hương. Đặc biệt là các món bánh đã có lịch sử từ hàng trăm năm. Mỗi con đường, mỗi góc phố đều có thể bắt gặp những hàng quán nhỏ với các món ăn thân thuộc, gắn bó như hương vị tuổi thơ, hương vị quê với người dân thị xã và vùng phụ cận…
Bánh tai đặc sản của thị xã Phú Thọ
Nhắc đến món ngon của thị xã Phú Thọ, chắc chắn nhiều người sẽ nhớ ngay đến đặc sản bánh tai. Thứ quà sáng có từ lâu đời, giờ đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của nhiều người mỗi khi có dịp trở về thị xã. Bánh có hình thù giống cái tai, làm từ bánh gạo tẻ, nhân thịt lợn, dễ làm bởi quy trình không mấy phức tạp, dụng cụ không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng có thể làm đúng chuẩn hương vị đặc trưng. Bánh tai ngon nhất là ăn tại chỗ. Khi đó bánh được người bán hàng đưa ra còn nóng, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm tay không, chấm với nước mắm pha, đem đến cảm giác dẻo, bùi, béo, thơm hòa quyện trong từng miếng.
Trước đây hàng bánh tai có tiếng của thị xã được nhiều người biết đến là bánh tại Giếng Thánh của gia đình bà Giản Định ở phố Bạch Đằng, phường Âu Cơ. Nghề được truyền cho nhiều đời con cháu, hiện nay ở thị xã có một số cửa hàng được người dân địa phương đánh giá hương vị ngon, gần như không thay đổi: Quán bánh tai Chiến Lập, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ; bánh tai cố Hoàn ở chợ Mè, bánh tai ở chợ phường Hùng Vương… Không thương hiệu nổi tiếng, gần như ở chợ nào của thị xã cũng bán thứ quà sáng này do một số gia đình ở Hà Thạch sản xuất.
Cùng với đặc sản bánh tai, đến bất kỳ đường phố nào, hay bước vào một con ngõ nhỏ của thị xã đều có thể bắt gặp những hàng quà sáng: Cháo, bún, miến, phở. Dù nhỏ nhưng luôn có thể vừa lòng mọi khách hàng. Có một thứ bánh cũng được nhiều người dân thị xã ưa chuộng là bánh cuốn. Có những hàng bánh cuốn tuổi đời cũng đã ngót ngét mấy chục năm. Đó là quán bánh cuốn cô Tâm nằm sau Trường THCS Sa Đéc, phường Hùng Vương. Vừa là nhà, vừa là quán, nằm trong con ngõ nhỏ nhưng rất nhiều người biết, kể cả những người không phải gốc thị xã. Chất lượng, hương vị từ những chiếc bánh, từ mùi chả thơm, từ dưa đu đủ chua ngọt, từ thứ nước chấm tròn vị đã tạo dựng nên thương hiệu mà không phải hàng quán sang trọng nào cũng có thể làm được. Bánh và chả được bà chủ làm trực tiếp ngay tại nhà. Khách đến đâu thì làm đến đó để đảm bảo độ nóng, độ thơm.
Đĩa bánh cuốn với những chiếc bánh được cuốn vừa độ không lỏng, không chặt, trong có nhân thịt và mộc nhĩ, khi đem ra vẫn còn bốc khói. Để có được chiếc bánh mềm, dẻo, cô lựa chọn bột kỹ, pha đúng tỷ lệ, khi ăn dẻo thơm, không có vi chua. Gắp một miếng bánh ăn cùng miếng chả được nướng trên than hoa, thêm chút dưa đu đủ chấm vào thứ nước chấm vàng sáng, hương vị như bùng nổ trong miệng. Ngoài hàng bánh cuốn của cô Tâm, nhiều người cũng lựa chọn các hàng bánh cuốn ở sau Trường tiểu học Lê Đồng để có thêm trải nghiệm.
Có một nghề truyền thống đã tồn tại ở thị xã gần trăm năm, đó là nghề làm bánh trung thu. Một năm chủ yếu tập trung vào gần một tháng, nhưng hương vị những chiếc bánh nướng, bánh dẻo của các cửa hàng ở thị xã đã được nhiều vị khách ở các tỉnh, thành trong cả nước ưa thích. Bánh trung thu đã trở thành món quà được nhiều người lựa chọn để dành cho bạn bè, cho đối tác làm ăn. Nghề làm bánh trung thu ở thị xã được nhiều người truyền là xuất phát từ cụ Hoàng Quỹ, ở làng Nội Am, Liên Ninh, Thanh Trì, từ nhỏ đã ra Hà Nội theo nghề làm bánh kẹo. Trước năm 1930, cụ đưa gia đình lên đất thị xã Phú Thọ định cư, mở cửa hàng bánh mứt kẹo lấy tên cửa hàng là Quảng Hưng Long. Sau này các con của cụ là cụ Hoàng Kỳ (con trai), cụ Hoàng Thị Huệ (con gái) và cụ Tạ Quyết (con rể), cùng làm trong Hợp tác xã Tiến Bộ chuyên sản xuất bánh mứt kẹo. Sản xuất phát triển, được phép của Nhà nước, cụ Hoàng Kỳ mở cơ sở sản xuất tư nhân lấy tên là Hoàng Vần; cụ Huệ, cụ Quyết mở cơ sở sản xuất bánh kẹo lấy tên là Tạ Quyết. Sau này các con, cháu của cụ đã phát triển thêm các cơ sở sản xuất bánh kẹo với các tên: Thu Thủy, Tuấn Anh, Luận Sang, Hoàng Dung, Hoàng Cải…
Bánh Trung thu có hai loại bánh nướng và bánh dẻo. Mỗi cái bánh nướng và bánh dẻo đều có phần bao ngoài gọi là cùi bánh và bên trong là nhân bánh. Cách làm bánh thì có lẽ ai cũng biết nhưng để nên thương hiệu thì đó là bí quyết nhà nghề. Sự cẩn thận lựa chọn nguyên liệu, sự tinh tế nghệ thuật trong chế biến là cả quá trình kinh nghiệm và sáng tạo mà người ngoài không thể biết được. Tiêu chuẩn của bột, tiêu chuẩn của nước đường, rồi tỷ lệ đường bột, mỡ khẩu chọn ra sao, luộc chín thế nào , ướp đường bao lâu thì được, nước hoa bưởi lấy thế nào, rồi tỷ lệ cho vào bánh… để bánh có hương vị thơm mát, bùi mà không cứng, dẻo mà không nhão, béo mà không ngán, sang mà không quá cầu kỳ, giá thành phải chăng, đấy là bánh Trung thu Hoàng Vần, Tạ Quyết, Tuấn Anh, Kim Liên… của thị xã Phú Thọ.
Thị xã nhỏ bé nhưng mỗi món ăn, mỗi hương vị đều chứa đựng tinh túy kết tinh hàng trăm năm, hàng chục năm cũng như cả sự chăm chút của người làm. Nếu không có thời gian để đi từng con phố để cảm nhận những nét ẩm thực của thị xã thì có lẽ nhiều người sẽ lựa chọn chợ Mè. Đi hết khu chợ chính, bước xuống phía cuối chợ là hàng loạt quán hàng với đủ các thứ quà bánh, đồ ăn vặt. Từ bún, cháo, phở, miến đến các loại bánh trái: Bánh rán, bánh giầy, bánh giò, bánh tẻ…đến các thứ đồ ăn vặt: Ốc luộc, chè các loại, nộm đu đủ…Đây cũng là nơi để các bà, các mẹ mỗi buổi đi chợ về lại ghé vào mua vài thứ đồ ăn làm quà cho con, cho cháu ở nhà. Đó là nét đẹp từ ngàn xưa chất chứa ân tình cha ông trao truyền lại.