Bất chấp lệnh trừng phạt, nhiều công ty phương Tây vẫn làm ăn với công ty Nga, động thái bất ngờ về xuất khẩu của Ukraine, nhu cầu vàng của Trung Quốc tiếp tục mạnh mẽ, EU lo rủi ro nguồn cung dầu… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Một số ngân hàng, trong đó có Citigroup, đang tích cực mua nhôm Nga trên Sàn giao dịch kim loại London. (Nguồn: tampabay) |
Kinh tế thế giới
Nguồn vốn tư nhân đổ vào bất động sản toàn cầu đang sụt giảm
Theo báo cáo của công ty dữ liệu Preqin, việc huy động vốn tư nhân trong lĩnh vực bất động sản toàn cầu đã sụt giảm, do lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro.
Báo cáo cho biết, 61 quỹ đầu tư trên toàn cầu đã huy động được 18,2 tỷ USD trong quý III/2023, giảm 71% so với quý trước đó. Đây cũng là quý đầu tiên ghi nhận tốc độ huy động vốn chậm nhất trong chu kỳ tăng lãi suất hiện nay.
Thị trường bất động sản toàn cầu đã bị hỗn loạn khi các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt tăng lãi suất, đẩy chi phí đi vay tăng. Trong khi, định giá của một số loại bất động sản bị giảm, làm giảm kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư. Điều này có thể quan sát thấy rõ nhất trong mảng bất động sản văn phòng, vốn đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự gia tăng xu hướng làm việc từ xa.
Ông Henry Lam, Phó Chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu chuyên sâu của Preqin, nhận định: “Các cơ hội đầu tư có thể mang lại thu nhập ròng dương và ổn định, cùng một lộ trình rút vốn đầu tư rõ ràng, đang trở nên khan hiếm. Các nhà đầu tư tham gia thị trường đang áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, cho đến khi lộ trình lãi suất trong tương lai chắc chắn hơn”.
Báo cáo của Preqin chỉ ra rằng, các quỹ đầu tư tập trung vào bất động sản ở Bắc Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số vốn huy động được trên toàn cầu vào quý III/2023, nhưng chỉ đạt 70% so với con số 81% của quý trước đó. Trong khi đó, thị phần vốn đầu tư vào bất động sản của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng lên 24%, nhờ Nhật Bản, nước có chi phí đi vay vẫn giữ ở mức thấp, đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư. 6% thị phần vốn còn lại nằm rải rác trong các bất động sản ở châu Âu và một số nước khác ngoài các khu vực nêu trên.
Trong quý II/2023, giá trị bằng đồng USD của các giao dịch bất động sản toàn cầu đã giảm xuống còn 31,9 tỷ USD. Doanh số bán bất động sản văn phòng giảm 20%. Giao dịch bất động sản công nghiệp và nhà ở, mặc dù vẫn duy trì vị thế là mảng kinh doanh sôi động nhất, nhưng cũng chứng kiến lượng giao dịch giảm lần lượt là 3,2% và 6,3%.
Báo cáo nhận định sự không chắc chắn về lãi suất sẽ tiếp tục đè nặng lên việc huy động vốn và giao dịch bất động sản. Nhà đầu tư sẽ cố gắng tìm kiếm các loại bất động sản hoặc thị trường hứa hẹn lợi nhuận chắc chắn hơn.
Kinh tế Mỹ
* Ngày 1/11, kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định duy trì lãi suất ổn định ở mức cao nhất trong 22 năm nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo Fed, “hoạt động kinh tế mở rộng với tốc độ mạnh mẽ trong quý III” là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách nhất trí giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25%-5,50%, được duy trì từ tháng 7/2023. Tuyên bố mới nhất cũng lưu ý rằng, với mức tăng việc làm vẫn “mạnh” và lạm phát vẫn “tăng cao”, cơ quan này tiếp tục xem xét “mức độ củng cố chính sách bổ sung có thể phù hợp để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%”.
Kinh tế Trung Quốc
* Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm 2023, khi giá trong nước đối với tài sản trú ẩn an toàn này tăng vọt lên mức kỷ lục giữa bối cảnh nhu cầu đầu tư mạnh nhất trong hơn hai năm.
Theo WGC, nhu cầu về vàng miếng và tiền xu ở Trung Quốc trong quý III/2023 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong ba tháng cuối năm nay. Những bất ổn về kinh tế và chính trị, biến động tiền tệ và việc dự trữ của ngân hàng trung ương đều thúc đẩy làn sóng mua vàng.
* Số lượng công ty hủy kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Star Market ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã tăng mức kỷ lục sau khi các cơ quan quản lý nâng yêu cầu về kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm lựa chọn và phát triển những doanh nghiệp có tiềm năng có thể giúp Trung Quốc phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghệ.
Theo đó, 126 công ty đã hủy hoặc tạm ngừng đăng ký IPO trên sàn chứng khoán Star Market từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với 4 năm trước đó. Các nhà đầu tư bao gồm giới chủ ngân hàng nhận định, sàn giao dịch chứng khoán trên đã đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn đối với việc đăng ký niêm yết trong năm nay.
Kinh tế châu Âu
* Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã không thể đạt được tiến triển trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngày 30/10, Canberra cho biết có thể phải nhiều năm nữa hai bên mới có thể nối lại các cuộc đàm phán.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Australia Murray Watt, các nhà đàm phán của EU đã không thay đổi ý kiến trong vòng đàm phán mới nhất này, các cuộc đàm phán sẽ không thể tiếp tục trong “nhiệm kỳ nghị viện hiện tại”, tức là Chính phủ Australia sẽ không thể quay lại bàn đàm phán cho đến sau cuộc tổng tuyển cử năm 2025.
Về phía mình, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, khối này đã rất lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận tại Osaka, nhưng không thể tìm được tiếng nói chung với Australia ở một số vấn đề. Trong một thông báo, EC cho biết sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Australia.
* Ngày 27/10, nhóm điều phối dầu mỏ của EU đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận vấn đề đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ nhằm đánh giá rủi ro về nguồn cung trong trường hợp xung đột tại Trung Đông lan rộng ra khu vực.
Hiện tuyến vận tải Trung Đông đóng vai trò quan trọng khi mỗi ngày có 20 triệu thùng dầu cung cấp cho châu Âu đi qua Eo biển Hormuz. Các quốc gia phương Tây lo ngại xung đột tại Trung Đông leo thang có thể dẫn đến việc phong tỏa Eo biển Hormuz hoặc gây mất an ninh trên tuyến vận tải này.
Dự trữ dầu của EU hiện đã đáp ứng tiêu chí đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, nhưng chủ yếu là dầu thô.
* Theo Bloomberg, bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế do xung đột ở Ukraine, một số ngân hàng và doanh nghiệp phương Tây, như Citigroup và Trafigura Group, gần đây đã tích cực tham gia các thỏa thuận mua kim loại với các công ty Nga.
Các nguồn tin cho biết Trafigura, có trụ sở tại Singapore, đang tích cực tìm kiếm cơ hội mua bán kim loại của Nga. Cụ thể, công ty đã ký một thỏa thuận có thời hạn để mua hơn 100.000 tấn đồng từ Norilsk Nickel. Ngoài ra, công ty còn ký thỏa thuận với Rusal, theo đó sẽ nhận được khoảng 200.000 tấn nhôm.
Các nhà giao dịch lớn khác, chẳng hạn như Glencore, công ty kinh doanh và khai thác đa quốc gia của Thụy Sỹ, cho biết họ từ bỏ hoạt động kinh doanh mới ở Nga, dù vẫn duy trì các hợp đồng cũ. Một số ngân hàng, trong đó có Citigroup, cũng đang tích cực mua nhôm Nga trên Sàn giao dịch kim loại London (LME).
Theo Bloomberg, Ngân hàng ICBC Standard của Singapore và Tập đoàn Macquarie của Australia cũng có kế hoạch mua kim loại của Nga.
* Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, kinh tế Đức giảm nhẹ trong quý III/2023, tiếp tục chịu sức ép từ việc sức mua yếu và lãi suất tăng.
GDP của Đức trong quý III giảm 0,1% so với quý trước. Trong khi đó, theo khảo sát của Reuters, kinh tế nước này được dự báo giảm 0,3%.
Việc kinh tế Đức giảm trong quý III là đúng như dự báo của Commerzbank cho rằng nền kinh tế nước này sẽ giảm trở lại trong nửa cuối năm. Theo nhà kinh tế trưởng của Commerzbank, Joerg Kraemer, tiêu dùng không thể phục hồi như những người lạc quan hy vọng.
* Ngày 27/10, Ukraine cho biết đã xuất khẩu 1,3 triệu tấn sản phẩm kể từ thời điểm thiết lập hành lang trên Biển Đen vào tháng 8, bất chấp những quan ngại về vấn đề an ninh, an toàn đối với các tàu đi qua hành lang này.
Theo đó, tổng cộng có 62 tàu đã sử dụng hành lang này, 37 tàu đã xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn nông sản Ukraine và các hàng hóa khác. Ngoài ra, 4 tàu đang hướng tới eo biển Bosphorus và 11 tàu khác đã vào cảng Odessa để bốc hàng.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 1/11, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bất ngờ thông báo mua vào trái phiếu chính phủ, nhằm hạn chế tốc độ tăng của lợi suất trái phiếu, trong bối cảnh cơ quan này vừa quyết định bỏ mức trần 1% của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Động thái của BoJ đưa ra khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đang được giao dịch ở ngưỡng 0,97%, chạm mức đỉnh của một thập kỷ gần đây.
Ngày 1/11, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bất ngờ thông báo mua vào trái phiếu chính phủ, nhằm hạn chế tốc độ tăng của lợi suất trái phiếu. (Nguồn: Getty) |
* Một nguồn thạo tin ngày 30/10 cho biết, Nhật Bản và Mỹ đang xem xét tổ chức cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng ngoại giao và kinh tế tại San Francisco vào tháng 11/2023, trong bối cảnh những thách thức trong lĩnh vực an ninh kinh tế ngày càng tăng.
Theo nguồn tin trên, cuộc đàm phán 2+2 về kinh tế giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ được tổ chức bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng của Diễn đàn cấp cao Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra trong hai ngày 14-15/11 tại California. Đây sẽ là lần thứ hai Nhật Bản và Mỹ tổ chức các cuộc thảo luận theo hình thức này. Các cuộc đàm phán đã được bắt đầu vào tháng 7/2022 tại Washington.
* Theo báo cáo về “Xu hướng hoạt động công nghiệp tháng Chín” của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, các chỉ số sản xuất, tiêu dùng và đầu tư đều tăng sau 4 tháng, nhờ sự sự phục của xuất khẩu lĩnh vực chip bán dẫn.
Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc trong tháng 9/2023 tăng 1,1% so với một tháng trước đó. Lĩnh vực khai thác khoáng sản và ngành dịch vụ đều tăng.
Đặc biệt, sản xuất chip bán dẫn tăng rõ rệt khi điều kiện kinh doanh được cải thiện. Sản lượng bộ nhớ (DRAM) và bộ nhớ flash tăng 12,9% so với tháng Tám. Sản xuất máy móc thiết bị liên quan cũng tăng hơn 5%.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Bộ Lao động Thái Lan vừa ban hành một nghị định cấp bộ quy định mức phí mới cho việc kiểm tra và cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài đến từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Cụ thể, phí visa đối với người lao động từ 4 nước nói trên được giảm từ 2.000 Baht (55,4 USD) hiện nay xuống 500 Baht và phí lưu trú tạm thời (phí gia hạn visa mỗi năm) cũng được giảm từ 1.900 Baht hiện nay xuống 500 Baht.
Nghị định có hiệu lực trong 4 năm, bắt đầu từ ngày 10/11/2023, và áp dụng cho người lao động nước ngoài từ 4 quốc gia này vào Thái Lan làm việc trên cơ sở hợp đồng lao động hoặc Biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến việc tuyển dụng lao động.
* Trong cuộc gặp Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann mới đây tại Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan đã thảo luận về các nỗ lực của nước này nhằm nhanh chóng trở thành thành viên đầy đủ của OECD.
Ông Zulkifli nói Indonesia mong muốn nhận được sự hỗ trợ để có thể gia nhập OECD một cách thuận lợi và nhanh chóng. Theo quan điểm của nước này, OECD cần mang tính bao trùm hơn với sự tham gia của nhiều nước đang phát triển hơn.
Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã ban hành chỉ thị đẩy nhanh quá trình gia nhập OECD. Nhiều nỗ lực hợp tác đã được khởi xướng, trong đó có việc Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto gửi ý định thư tới Tổng Thư ký OECD.
* Theo dữ liệu lao động sơ bộ hằng quý vừa được Bộ Nhân lực Singapore (MOM) công bố, số lượng người mất việc và thất nghiệp ở Singapore đã tăng trong quý III/2023 do triển vọng kinh tế yếu hơn đã kéo các lĩnh vực như thương mại bán buôn vốn là khu vực lớn thứ hai trong nền kinh tế nước này đi xuống.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 11.120 người nghỉ việc trong năm 2023, gần gấp đôi so với con số 6.440 được ghi nhận trong cả năm 2022.
* Tờ Vientiane Times số ra ngày 1/11 đưa tin, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã cam kết tiếp tục thực thi các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn không để nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Theo báo trên, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa IX của Lào vào ngày 31/10, Thủ tướng Sonexay cho biết, trọng tâm của Chính phủ sẽ là thực thi các biện pháp đã ban hành để giải quyết những tình huống liên quan tới biến động tỷ giá hối đoái và giá cả nhằm kiềm chế lạm phát tăng, ổn định chi phí sinh hoạt.