Ngày 13/6, các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý về kế hoạch sử dụng khoảng 300 tỷ USD tài sản bị phong toả của ngân hàng trung ương Nga để tài trợ cho năng lực quân sự của Ukraine.
Thay vì chi 300 tỷ USD tiền gốc, kế hoạch mới sẽ sử dụng tiền lãi từ những tài sản đó – ước tính khoảng vài tỷ USD mỗi năm – làm tài sản thế chấp cho khoản vay một lần lên tới 50 tỷ USD cho Ukraine.
“Ukraine đang thâm hụt tài chính rất lớn, khoảng 20-30% GDP, rất khó trang trải trong nước. Chúng tôi không có thị trường tài chính phát triển, nền kinh tế hoạt động không tốt và nhiều giá tài sản sụt giảm”, Yury Gorodnichenko, giáo sư kinh tế người Ukraine tại Đại học California cho biết.
Ông Gorodnichenko lưu ý rằng Chính phủ Ukraine, vốn cần 100-150 tỷ USD hàng năm để điều hành đất nước và chiến sự, gần như không nhận được viện trợ nào trong hai tháng đầu năm. Ông nói, điều đó “tạo ra rất nhiều sự không chắc chắn về số tiền có để tài trợ cho vũ khí và các nhu cầu trong nước”.
Mặc dù khoản 50 tỷ USD bổ sung này sẽ được chào đón ở Kiev, nhưng nó cũng đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách của nước này, vì nó chỉ là khoản vay và sẽ yêu cầu trả lãi.
Ông Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại văn phòng Brussels của tổ chức nghiên cứu Quỹ Marshall (Đức), cho biết có thể vấn đề còn là việc khó giải ngân số tiền gốc sau xung đột, vì nó sẽ được sử dụng trong hơn một thập kỷ để hỗ trợ khoản vay mới này.
Tuy nhiên, khoản vay một lần này trước mắt đã giúp phương Tây thoát khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính khổng lồ để viện trợ cho Ukraine. EU đã phải vật lộn để bù đắp cho khoản viện trợ trì trệ của Mỹ vài tháng qua.
“Các nhà lãnh đạo G7 muốn đảm bảo nguồn tài chính trong ít nhất một năm nữa. Tuy nhiên, cuối cùng, các đồng minh châu Âu của chúng tôi cần đưa ra quyết định chính trị về việc liệu họ có muốn chạm vào tổng tài sản chính này của Nga hay không”, ông Gorodnichenko nói.
Nhu cầu viện trợ của Ukraine có thể vẫn ở mức cao trong vài năm, bao gồm hàng tỷ USD để tái thiết cơ sở hạ tầng điện bị hư hại và xây dựng lại các thành phố sau khi xung đột kết thúc.
Trong khi đó, Ukraine đang cạn kiệt nguồn tài trợ. Kiev hiện đang chuẩn bị tăng thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế doanh thu và các khoản thuế gián tiếp khác.
Ngọc Ánh (theo DW)
Nguồn: https://www.congluan.vn/phuong-tay-se-su-dung-tai-san-bi-phong-toa-cua-nga-de-vien-tro-ukraine-nhu-the-nao-post299293.html