Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga. Tuy nhiên, những biện pháp này chủ yếu nhắm vào các công ty ngoài Nga – những đối tượng mà Brussels cho rằng đang “tiếp tay” cho Moscow phá vỡ trừng phạt.
Các đoàn tàu chở hàng hóa nhập khẩu vào Nga tại Kaliningrad. (Nguồn: Reuters) |
Trong vài tháng qua, đã có sự gia tăng đáng kể trong việc nhập khẩu hàng hóa phương Tây vào các nước giáp biên giới với Nga. Người ta cho rằng, những hàng hóa này sau đó sẽ đi vào Nga.
Phân tích dữ liệu hải quan từ 12 quốc gia EU, Na Uy, Anh, Mỹ và Nhật Bản cho thấy, việc lách lệnh trừng phạt xuất khẩu đối với Nga lên tới 8 tỷ Euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022.
Trong số các quốc gia được nghiên cứu, Đức dường như là nước xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt lớn nhất sang Nga; tiếp theo là Lithuania. Cả hai cung cấp một nửa số hàng hóa mà phương Tây không cho phép bán cho Moscow.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là doanh nghiệp Đức, sử dụng các nước thứ ba để bán sản phẩm của họ cho Nga. Điều này thể hiện rõ qua việc phân tích dữ liệu xuất khẩu đối với hàng hóa bị trừng phạt, bao gồm các mặt hàng xa xỉ như đồ trang sức, nước hoa, công nghệ tiên tiến, máy móc và thiết bị vận tải.
Năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng nói trên của phương Tây sang Nga giảm mạnh, nhưng lại tăng vọt sang các nước láng giềng của Moscow.
Gần một nửa số hàng “xuất khẩu song song” này được chuyển qua Kazakhstan. Phần còn lại được phân chia giữa Gruzia, Armenia, Kyrgyzstan và các nước khác.
Theo các nhà phân tích kinh tế, thực tế cho thấy, 10 gói trừng phạt mà EU đưa ra đã chứng minh rằng, những hạn chế ban đầu không hoạt động như dự kiến và Nga khá thành công trong việc tìm ra giải pháp thay thế.
Vô tình vi phạm trừng phạt
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và nhiều đồng minh đã áp lệnh trừng phạt được cho là mạnh mẽ chưa từng thấy lên Moscow.
Các biện pháp này cũng đã được thắt chặt trong thời gian qua, từ hạn chế khả năng Nga giao dịch với các ngân hàng trên thế giới cho tới áp lệnh cấm nhập khẩu công nghệ, “tẩy chay” các sản phẩm năng lượng và áp giá trần dầu mỏ nhằm ngăn chặn nguồn doanh thu hàng đầu của Moscow.
Hiệu quả thực sự của những biện pháp trừng phạt này tương đối khó định lượng. Bởi theo bà Alexandra Prokopenko, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga (từ 2017-2022), đây là tình huống chưa từng có tiền lệ.
Bà Alexandra Prokopenko nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một loại thử nghiệm kinh tế chưa từng xảy ra trước đây. Trong lịch sử, chưa có quốc gia nào chịu nhiều lệnh trừng phạt như Nga. Hiện có hơn 13.000 lệnh trừng phạt hoàn toàn khác nhau chống lại đất nước của Tổng thống Putin. Con số này nhiều hơn tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran, Syria, Triều Tiên và Cuba cộng lại”.
Giám đốc chính sách của tổ chức nhân quyền Ủy ban Helsinki của Na Uy Berit Lindeman đã đưa ra một ví dụ lý thuyết về những gì có thể xảy ra. Theo bà, một số công ty có thể đang vô tình vi phạm các biện pháp trừng phạt.
Bà giải thích: “Ý tôi là, các công ty có một đơn đặt hàng đến Kazakhstan và bản thân công ty đó hoàn toàn vui vẻ xuất khẩu sang đất nước này mà không hề biết rằng, những mặt hàng đó đang đi thẳng đến Nga”.
Trong gói trừng phạt thứ 11, EU đã quyết định trừng phạt quốc gia, cá nhân và thực thể tránh những biện pháp chính sách đã được khối áp dụng lâu nay và sẽ còn được áp dụng trong thời gian tới nhằm vào Nga và những quốc gia hậu thuẫn Nga.
Gói trừng phạt mới cũng cấm quá cảnh qua Nga những hàng hóa và công nghệ có thể được quân đội Nga sử dụng hoặc giúp ích cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh nước này.
Ngoài ra, nhằm hạn chế việc các tàu chở dầu thô hoặc sản phẩm dầu mỏ Nga bốc hàng trên biển để lách lệnh trừng phạt từ EU, gói trừng phạt mới sẽ cấm những tàu khả nghi cập cảng EU…
Điện Kremlin đã kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán khí đốt cho châu Âu vào năm 2022 so với năm 2021. (Nguồn: Mono News) |
Nền kinh tế Nga có bền vững?
Hầu hết các nhà kinh tế lưu ý rằng, tác động ngắn hạn của các biện pháp trừng phạt không nghiêm trọng như dự kiến ban đầu. Nền kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,1% vào năm ngoái – mức giảm nhỏ hơn đáng kể so với mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 (5,3%) và cuộc đại suy thoái năm 2008 (7,9%).
Bất chấp những hạn chế mới về tài chính và hậu cần đối với các nhà xuất khẩu Nga, quan hệ thương mại giữa Moscow với nước ngoài vẫn mạnh mẽ. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt mức cao kỷ lục 227,4 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 86% so với năm 2021.
Năng lượng đóng một vai trò quan trọng giúp đất nước này trụ vững trước 13.000 lệnh trừng phạt. Khối lượng xuất khẩu năng lượng của Nga ghi nhận đà giảm nhẹ vào năm 2022. Tuy nhiên giá những mặt hàng này lại tăng nhanh hơn.
Trong khi đó, quá trình “ngắt kết nối” giữa Nga và EU về năng lượng cũng không diễn ra như dự kiến. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, Điện Kremlin đã kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán khí đốt cho châu Âu vào năm 2022 so với năm 2021.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), vào tháng 2/2023, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Moscow thấp hơn tới 41,7% so với tháng 2/2022.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tiết lộ, đến tháng 4/2023, xuất khẩu dầu của nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu. Xuất khẩu mặt hàng này đã tăng thêm 50.000 thùng/ngày lên 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4. IEA nhận định, Nga có thể đang tăng sản lượng để bù đắp cho doanh thu bị mất.
Hơn 16 tháng qua, Nga cũng dần tìm ra các biện pháp hiệu quả hơn để thích nghi với các biện pháp trừng phạt.
Để nhận được vi mạch máy tính cũng như các thành phần quan trọng, đất nước này hiện đang tăng cường nhập khẩu các sản phẩm lưỡng dụng, vừa sử dụng cho thương mại, vừa sửa dụng cho quân sự.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm cũng được trao đổi qua “vô số nhà cung cấp giấu tên cũng như các hành lang trên đất liền”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho hay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, dù đang chứng tỏ đứng vững trước lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng kinh tế Nga có thể bị suy yếu về lâu dài và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
Ông Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu tại Economist Intelligence Unit nhận định: “Đây mới chỉ là khởi đầu. Các lệnh trừng phạt đối với Nga như một ‘cuộc chạy marathon’ hơn là chạy nước rút”.