Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết những nội hàm của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ở tầm cao mới là 6 phương hướng tăng cường quan hệ được nêu trong tuyên bố chung, cũng là “6 hơn”.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung vừa trả lời phỏng vấn báo chí, đánh giá kết quả, ý nghĩa chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân từ ngày 12 đến 13-12 vừa qua.
Hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc
Theo ông Lê Hoài Trung, chuyến thăm này là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả hai Đảng, hai nước, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Chuyến thăm và những thu xếp của phía Trung Quốc thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cũng cho biết Việt Nam đã thể hiện sự trọng thị, lễ nghi ở cấp cao nhất, trang trọng, có những biệt lệ, đồng thời gần gũi, chân tình, thể hiện tình cảm hữu nghị, sự coi trọng cao độ đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc, cá nhân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đây đồng thời là sự đáp lại những trọng thị, chu đáo và nhiều biệt lệ mà Trung Quốc đã dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam khi thăm Trung Quốc vào tháng 10-2022.
Theo ông Lê Hoài Trung, cả hai chuyến thăm lẫn nhau của hai Tổng bí thư có ý nghĩa rất quan trọng, là những dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Trong đó, chuyến thăm lần này đã tăng cường mạnh mẽ sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Hai bên đã nhất trí cho rằng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, hợp tác trong các lĩnh vực đạt tiến triển tích cực, toàn diện.
Cả hai nước đều khẳng định sự coi trọng của nhau đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, ủng hộ sự phát triển đất nước của nhau.
Nội hàm của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ở tầm cao mới
Trên cơ sở truyền thống quan hệ và những nhận thức chung đã đạt được, theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, hai Đảng, hai nước đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Tuyên bố chung cũng khẳng định các nguyên tắc của việc phát triển quan hệ là tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Những nội hàm của quan hệ ở tầm cao mới là 6 phương hướng phấn đấu để tăng cường quan hệ như được nêu trong tuyên bố chung, tức “6 hơn”.
Đó là Tin cậy chính trị cao hơn, Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, Nền tảng xã hội vững chắc hơn, Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và Bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.
Trao đổi giữa các lãnh đạo hai Đảng, hai nước có nội dung toàn diện, chân thành, xây dựng và thẳng thắn. Cụ thể như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng có ý nghĩa thiết yếu đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cả trước mắt và lâu dài.
Những nhận thức cấp cao, tuyên bố chung và 36 văn kiện ký kết trong chuyến thăm đã tạo khuôn khổ toàn diện cho việc thúc đẩy quan hệ và tăng cường hợp tác hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới.
Theo ông Lê Hoài Trung, các nội dung của 6 phương hướng – “6 hơn” như đã đề cập ở trên được nêu rõ, cụ thể trong tuyên bố chung.
Như trong phương hướng “Hợp tác thực chất sâu sắc hơn”, hai bên đã nhất trí về việc hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, logistics, tạo thuận lợi cho vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, tăng cường hợp tác đầu tư về nông nghiệp, kinh tế số, phát triển xanh, bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng.
Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu có nguồn gốc thực vật, thịt gia súc, gia cầm, đồng thời mở mới và nâng cấp cửa khẩu để thúc đẩy giao lưu nhân dân, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Danh mục 36 văn kiện được ký kết đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm 3 văn kiện về hợp tác giữa các ban của hai Đảng, 5 văn kiện trong lĩnh vực ngoại giao – quốc phòng – an ninh – tư pháp và 28 văn kiện về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, môi trường giữa các bộ, ngành và địa phương của hai bên.
Khẳng định trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”
Cũng theo Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, những kết quả thành công rất tốt đẹp của hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng này cùng những kết quả quan trọng của nhiều hoạt động đối ngoại khác đã khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay.
Đó cũng là sự khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp, thường xuyên của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những thực tế này cũng được Đảng, Nhà nước Trung Quốc ghi nhận, khẳng định trong Tuyên bố chung là “sức mạnh tổng hợp và ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam ở tầm cao chưa từng có”.
Hoạt động đối ngoại này là dấu ấn nâng tầm quan hệ, tạo những cơ sở quan trọng để hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước phấn đấu thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “mối tình thắm thiết Việt – Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Qua đó góp phần củng cố môi trường hòa bình, củng cố cục diện đối ngoại có lợi, tạo thêm những điều kiện thuận lợi mới cho phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc tế và sự đóng góp của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế.