Phương án trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 về cơ bản cũng đã tiếp thu và tiệm cận đến với các phương án tổ chức thi tốt nghiệp của các quốc gia.
PGS. TS. Trần Thành Nam đánh giá cao phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội liên quan phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố.
Ông đánh giá thế nào về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?
Cá nhân tôi thấy có nhiều điểm mới, nhiều điểm tích cực trong phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT mới công bố. Nó phù hợp với triết lý lấy người học làm trung tâm, tôn trọng sự phát triển đa trí thông minh, phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Điểm khác biệt dẫu nhỏ nhưng ý nghĩa, đó là kỳ thi đã định hướng lấy người học làm trung tâm. Trước đây, tất cả các môn thi do Nhà nước chọn, học sinh buộc phải thi những môn đó không phân biệt thiên hướng nghề nghiệp. Còn từ 2025, học sinh phải thi 2 môn học đại diện cho những năng lực tư duy tối cơ bản của một người trưởng thành đó là năng lực tư duy định lượng (toán học) và năng lực tư duy ngôn ngữ định tính (văn học) và được quyền lựa chọn 2 môn theo sở thích, năng lực, thiên hướng nghề nghiệp mà bản thân dự định xét tuyển các trường cao đẳng hay đại học.
Sử dụng phương thức thi 2+2 cũng đã thay đổi quan niệm về khối thi truyền thống, cũng không còn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội nữa. Tuy nhiên, điều này có thể phù hợp với thực tiễn rất nhiều ngành nghề mới ra đời trong thị trường lao động và các chương trình đào tạo mới mà các cơ sở giáo dục đã và đang xây dựng mang tính “xuyên ngành” kết hợp cả khoa học tự nhiên, xã hội và công nghệ.
Với 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, số lượng tổ hợp các môn thi là 36 giảm 1/3 so với số lượng tổ hợp xét tuyển hiện nay. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa quá trình xét tuyển đại học cao đẳng sau này.
Số lượng môn thi ít cũng giúp xã hội tiết kiệm hơn, học sinh được lựa chọn môn thi sẽ giúp giảm căng thẳng cho thí sinh và tránh tình trạng chỉ học đối phó phục vụ kỳ thi mà sẽ học vì mong muốn khám phá tri thức của các em.
Tham chiếu với các nước khác trên thế giới, họ thi tốt nghiệp THPT thế nào? Chúng ta có thể học được gì?
Mỗi quốc gia đều có những chính sách riêng để đánh giá kiến thức, năng lực, phẩm chất của học sinh xem họ có đủ điều kiện để theo học ở bậc cao hơn như đại học hay không. Về cơ bản, họ thường sử dụng hai phương thức cơ bản là các bài trắc nghiệm đánh giá năng lực được chuẩn hóa (như SAT và ACT) và các bài đánh giá dựa trên chương trình nhà trường (School based assessments) hoặc kết hợp cả hai.
Trong đó, các bài trắc nghiệm đánh giá diện rộng được chuẩn hóa như SAT và ACT thì chủ yếu đánh giá các năng lực đọc hiểu, năng lực viết luận và năng lực tư duy logic toán… Việc điều chỉnh 2 môn bắt buộc là Toán và Văn cũng đã tiệm cận với những năng lực cốt lõi cần đánh giá ở học sinh từ các bài trắc nghiệm đánh giá diện rộng mà nhiều quốc gia đang sử dụng.
Còn so sánh về các môn thi tốt nghiệp thì các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ thi Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật và tổ hợp các môn khác như Toán, Tiếng Anh, một môn khoa học hoặc khoa học xã hội nhân văn.
Còn với một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Pháp (với kỳ thi Bac), học sinh được lựa chọn thi vào một trong 3 loại Bac: S (Khoa học), ES (Kinh tế Xã hội) và L (Nghệ thuật và Văn hóa). Ví dụ Bac S sẽ có các môn thi bắt buộc là Toán, Vật lý-hóa học, Ngữ văn, Ngoại ngữ và các môn học sinh lựa chọn là Sinh học, Hóa học nâng cao, Toán nâng cao… Bac ES sẽ có môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Kinh tế, Xã hội, Ngoại ngữ và một số môn tự chọn như Lịch sử, Toán nâng cao và nhiều môn khác; Bac L sẽ có các môn bắt buộc là Ngữ văn, Lịch sử-địa lý, Ngoại ngữ và một danh sách các môn tự chọn gồm Văn học, Nghệ thuật và nhiều môn khác.
Hệ thống thi tốt nghiệp Abitur ở Đức sẽ gồm các môn bắt buộc là Ngữ Văn và Toán với các môn chuyên ngành được lựa chọn theo sở thích Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, và nhiều lựa chọn khác kết hợp với đánh giá năng khiếu và kỹ năng toàn diện khác của cá nhân như năng lực lãnh đạo, tự quản, làm việc nhóm, phân tích giải quyết vấn đề.
Như vậy, phương án trong kỳ thi 2025 về cơ bản cũng đã tiếp thu và tiệm cận đến với các phương án tổ chức thi tốt nghiệp của các quốc gia. Bao gồm những môn bắt buộc đánh giá những năng lực cốt lõi như tư duy ngôn ngữ (đọc hiểu và viết luận) cùng tư duy logic – định lượng (Toán học).
Tuy nhiên, qua nhiều bằng chứng thấy, kỳ thi gây ra sang chấn và áp lực tâm lý quá lớn, chưa đo được chính xác những năng lực phẩm chất của người học. Vậy nên, gần đây, việc tuyển sinh vào đại học không chỉ căn cứ trên điểm số của kỳ thi mà kết hợp và đặt trọng số nhiều hơn vào việc phỏng vấn năng lực trực tiếp và xem xét quá trình học tập qua hồ sơ học bạ.
Các kỳ thi cũng không chỉ tập trung đánh giá kiến thức học tập mà còn đánh giá cả những năng lực, kỹ năng mềm như năng lực tự chủ, hoài bão khát vọng, năng lực thích ứng linh hoạt, lãnh đạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và giao tiếp ấn tượng. Đó là những điều chúng ta cần tiếp tục tiếp thu và triển khai một cách có hiệu quả.
Các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Nguồn: Lao động) |
Điều tôi thấy có nhiều tranh luận nhất là việc không thi bắt buộc môn Ngoại ngữ. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, một số nước vẫn coi ngoại ngữ như một môn bắt buộc (thậm chí chỉ định ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh) và một số quốc gia khác thì không. Đây là một điều cần tiếp tục nghiên cứu.
Nếu sử dụng phương án Ngoại ngữ như một môn bắt buộc thậm chí chúng ta có thể yêu cầu trực tiếp đó là tiếng Anh vì tiếng Anh bây giờ là ngôn ngữ đại chúng trong kinh doanh, khoa học, và lập trình công nghệ, một công cụ quan trọng để cá nhân kết nối với phần lớn còn lại của thế giới, chuẩn bị hội nhập tốt vào thế giới nghề nghiệp sau này.
Nếu chúng ta coi trọng tư duy phản biện thì yêu cầu bắt buộc đối với ngoại ngữ cũng là cách để rèn luyện kỹ năng giao tiếp và nâng cao năng lực tư duy phản biện (học cách tư duy bằng ngôn ngữ mới).
Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc bối cảnh của Việt Nam sẽ khó khăn cho rất nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc mà tiếng Kinh không phải là tiếng mẹ đẻ, phải thi bắt buộc môn học này sẽ tạo ra nhiều căng thẳng và bất bình đẳng giữa học sinh vùng thuận lợi và những vùng khó khăn.
Với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trong tương lai, ngôn ngữ sẽ không còn là rào cản lớn nữa vì mọi thông tin có thể được AI dịch trực tiếp theo thời gian thực. Chính vì vậy, tôi thiên về hướng ủng hộ không đưa Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc. Khi thấy cần thiết phải sử dụng ngoại ngữ phục vụ công việc, cũng có nhiều chứng chỉ quốc tế có thể sử dụng để đánh giá việc đạt năng lực chuẩn.
Theo nhiều chuyên gia, việc ra đề thi tốt nghiệp THPT cần tuân thủ nguyên lý học gì thi nấy chứ không thể là thi gì học nấy. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp chứ không giữ vai trò trực tiếp trong tuyển sinh. Quan điểm của ông thế nào?
Điều chúng ta cần thay đổi là “trọng học” chứ không phải “trọng thi”. Học vì động cơ khám phá kiến thức, đam mê học vì muốn chinh phục cái mới trong lĩnh vực chuyên môn chứ không phải học để đạt thành tích khẳng định bản thân, để làm hài lòng gia đình và thầy cô.
Làm thế nào để các kỳ thi hay các bài kiểm tra được người học nhìn nhận như một lần mình khám bệnh, định vị lại kiến thức, năng lực của mình ở chỗ nào để điều chỉnh kế hoạch giúp bản thân đạt mục tiêu nghề nghiệp và thành công trong tương lai thay vì nỗi sợ thất bại.
Làm thế nào để cả xã hội và học sinh không phải thở phào nhẹ nhõm khi thấy số lượng các môn thi ở mức tối thiểu vì nỗi sợ hãi áp lực học tập. Đáng ra, chương trình giáo dục phổ thông mới đã vẽ ra được chân dung học sinh THPT với những năng lực, phẩm chất gì thì người tốt nghiệp THPT phải được đánh giá trên tất cả các môn học để phản ánh tất cả các năng lực phẩm chất cần đạt có được đáp ứng hay không chứ.
Theo ông, đâu là những tiêu chí quan trọng của nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước?
Sự phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phải có nhiều phẩm chất rất quan trọng, như các năng lực của công dân thế kỷ XXI, năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng và giải quyết vấn đề linh hoạt, tư duy phản biện, hoài bão và khát vọng đóng góp. Những năng lực phẩm chất này cũng cần phải được đưa vào hệ thống để đánh giá toàn diện, phản ánh năng lực và sự chuẩn bị của học sinh cho thời kỳ học tập và sự nghiệp sau này.
Xin cảm ơn ông!