Ngày 20.9, phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: T.Ư Đảng thống nhất cao, trong giai đoạn mới cần tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu tại thảo luận tổ Quốc hội, ngày 31.10, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, tổ chức bộ máy hiện nay đang rất cồng kềnh, chồng chéo, ngân sách đang tiêu tốn tới 70% để trả lương, chi thường xuyên và phục vụ hoạt động. Điều này, kìm hãm, cản trở sự phát triển. “Không tinh gọn bộ máy không thể phát triển được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tới 5.11, trong bài viết “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm sau khi phân tích những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị theo Nghị quyết 18 năm 2017 của T.Ư Đảng khóa XII, đã khẳng định:
“Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.
Để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm, đã đề ra 3 nhệm vụ trọng tâm: Thứ nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ ba, gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Ông cũng dẫn quy tắc được V.I Lênin nêu ra khi nói về cải tiến bộ máy nhà nước: “Thà ít mà tốt”.
Tại Hội nghị T.Ư khóa XIII hôm 25.11 vừa qua, T.Ư Đảng đã thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “T.Ư không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”.
* Nghiên cứu đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo T.Ư và Ban Dân vận T.Ư.
* Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại T.Ư. Chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng T.Ư Đảng.
* Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe T.Ư, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Y tế và một số bệnh viện T.Ư.
* Nghiên cứu đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận T.Ư; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
* Nghiên cứu kết thúc hoạt động các tạp chí của các ban Đảng T.Ư, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản.
* Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo T.Ư), chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân dân.
* Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. Giao Báo Nhân dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
* Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp T.Ư trực thuộc T.Ư, gồm các tổchức đảng trong các ban Đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở T.Ư, Viện KSND tối cao, TAND tối cao; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng T.Ư Đảng.
* Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư. Chuyển các tổ chức đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng ủy Chính phủ và đảng ủy một số bộ chuyên ngành (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp).
* Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ; lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc T.Ư, gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc T.Ư giữ nguyên như hiện nay), có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan Chính phủ.
Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.
* Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc T.Ư, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Quốc hội.
Kết thúc hoạt động của ban cán sự đảng, lập Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Đảng ủy Quốc hội (tương tự Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ).
* Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảng đoàn các tổ chức chính trị – xã hội và các hội quần chúng, lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực thuộc T.Ư, gồm các tổ chức đảng ở các cơ quan thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng, có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập đảng ủy ở các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
* Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập đảng bộ ở các hội quần chúng trực thuộc Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
* Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc T.Ư, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc T.Ư.
Cùng đó, tăng 2 đảng ủy trực thuộc T.Ư, do thành lập mới 4 đảng ủy (Đảng ủy các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp T.Ư; Đảng ủy Chính phủ; Đảng ủy Quốc hội; Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), song giảm 2 đảng ủy khối trực thuộc T.Ư hiện nay.
Theo ông Lê Minh Hưng, đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các hội quần chúng:
* Rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
* Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.
* Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
SẮP XẾP Ở ĐỊA PHƯƠNG
* Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở T.Ư.
* Với các cấp ủy đảng ở cấp tỉnh: Nghiên cứu kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy khối cấp tỉnh, lập 2 đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh, gồm:
+ Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh, gồm: các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, VKSND, TAND, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp ủy cấp tỉnh.
+ Đảng bộ khối chính quyền cấp tỉnh, gồm; các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, một số doanh nghiệp nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của cảng bộ doanh nghiệp) (doanh nghiệp khác chuyển về trực thuộc cấp ủy cấp huyện).
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 2 đảng ủy nêu trên.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/phuong-an-sap-xep-tinh-gon-bo-may-185241206134957916.htm