Tự lập bến thủy phục vụ trạm trộn
Phóng viên Báo Giao thông nhận được phản ánh về việc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Bắc Ninh lập bến thủy nội địa trái phép để vận chuyển, tập kết cát, sỏi, phục vụ Trạm trộn bê tông An Phúc tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Điều đáng nói, trạm trộn bê tông này được xây dựng tạm để phục vụ thi công cầu Kinh Dương Vương. Tuy nhiên, cầu đã được khánh thành, đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay nhưng trạm trộn vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép.
Xác minh thông tin phản ánh trên, PV Báo Giao thông đã về địa phương tìm hiểu. Theo ghi nhận, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Bắc Ninh đã lập bến thủy nội địa, phục vụ việc vận chuyển, tập kết vật liệu xây dựng ngay bờ sông Đuống để phục vụ trạm trộn trên.
Theo quan sát, tàu thủy mang số hiệu PT-2581 chở đầy cát đang neo đậu trái phép trên sông Đuống, phục vụ vận chuyển, tập kết vật liệu xây dựng đến trạm trộn. Trong bãi chứa của trạm trộn này cũng đang tập kết cả núi cát, sỏi phục vụ sản xuất bê tông thương phẩm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Bắc Ninh xác nhận: “Công ty đang duy trì hoạt động bến thủy nội địa và trạm trộn bê tông thương phẩm tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Sau khi hoàn thành dự án xây dựng cầu Kinh Dương Vương, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để phục vụ dự án xây dựng đường Vành đai 4 và đường song hành đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Thủ tục cấp phép bến thủy nội địa và trạm trộn bê tông trên cũng đang được công ty tích cực hoàn thiện”.
Chây ì tháo dỡ…
Liên quan đến hoạt động của bến thủy nội địa và trạm trộn bê tông trên, lãnh đạo UBND xã Cảnh Hưng, Tiên Du cho biết: “Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Bắc Ninh không được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn xã. Việc hoạt động bốc xếp hàng hóa trên là hoàn toàn trái phép, UBND xã Cảnh Hưng sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên môn kiểm tra, xử lý nghiêm.
Dù nằm trong diện phải di dời, giải tỏa nhưng Trạm trộn bê tông An Phúc của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Bắc Ninh vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép.
Riêng trạm trộn bê tông mang thương hiệu An Phúc của doanh nghiệp trên được xây dựng từ năm 2017 trên diện tích đất công ích do UBND xã Cảnh Hưng quản lý và một số thửa đất nông nghiệp của các hộ dân.
Trạm trộn này được dựng tạm để phục vụ dự án xây dựng cầu Kinh Dương Vương trên địa bàn xã. Tuy nhiên, năm 2022, ngay khi cầu hoàn thành xây dựng, chính quyền và chủ đầu tư là Ban QLDA Xây dựng giao thông (Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh) nhiều lần yêu cầu di dời, giải tỏa nhưng Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Bắc Ninh chưa thực hiện”.
Lãnh đạo UBND xã Cảnh Hưng cũng thông tin thêm: “Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động doanh nghiệp di dời, tháo dỡ. Thậm chí, UBND huyện Tiên Du còn yêu cầu dựng trụ bê tông để ngăn xe lưu thông trên đường từ đê sông Đuống đến trạm trộn bê tông này. Tuy nhiên, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Bắc Ninh vẫn nhiều lần ngang nhiên phá bỏ trụ bê tông chặn đường để duy trì hoạt động của trạm trộn bê tông trái phép.
Clip ghi nhận bến thủy nội địa tự phát phục vụ trạm trộn bê tông trái phép tại Bắc Ninh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng trụ bê tông chặn đường không cho các xe tải ra, vào vận chuyển nguyên vật liệu và bê tông thương phẩm ra khỏi trạm trộn bê tông trái phép trên. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Tiên Du xây dựng kế hoạch cưỡng chế, kiên quyết giải tỏa trạm trộn bê tông trái phép này”, lãnh đạo UBND xã Cảnh Hưng khẳng định.
Theo lãnh đạo Ban QLDA Xây dựng giao thông Bắc Ninh, sau khi hoàn thành dự án xây dựng cầu Kinh Dương Vương, đơn vị đã ban hành văn bản đề nghị doanh nghiệp và chính quyền địa phương giải tỏa trạm trộn bê tông trên, hoàn trả lại mặt bằng cho người dân và chính quyền địa phương.
Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết: “Hiện nay, việc quản lý bến thủy nội địa đã được Sở GTVT bàn giao cho UBND các huyện, TP trên địa bàn. Thanh tra Sở sẽ trao đổi, đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền”.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/phuc-vu-xong-du-an-xay-cau-tram-tron-be-tong-hoat-dong-trai-phep-192241009070431354.htm