Xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà là địa phương có diện tích rừng lớn và công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Chính vì vậy, Đảng ủy xã Phúc Thọ đã ban hành nghị quyết và các văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Lực lượng chức năng giải tỏa diện tích đất rừng bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp tại Phúc Thọ |
Xã Phúc Thọ hiện có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 9.898 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp khoảng 5.257 ha, diện tích đất có rừng là 3.662 ha. Phúc Thọ là địa phương có địa bàn rộng, chia cắt, diện tích rừng lớn, lại giáp ranh với nhiều địa phương như: xã Đạ Đờn, Tân Thanh (Lâm Hà), Đạ K’nàng (Đam Rông) và địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp những khó khăn. Tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn vẫn diễn ra, đặc biệt là các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất. Nhiều hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng chưa thực hiện theo kế hoạch nên để rừng bị xâm phạm. Sự phối hợp của các lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng đôi lúc chưa phát huy hiệu quả.
Trước thực trạng đó, Đảng ủy xã Phúc Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng trên địa bàn xã một cách nghiêm túc, quyết liệt và cũng từ đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đảng ủy xã Phúc Thọ cũng chỉ đạo tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp; cam kết bảo vệ rừng, phát triển rừng; kịp thời phát hiện, tố cáo đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Từ đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị cũng như người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Đảng ủy xã Phúc Thọ cũng thực hiện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Đồng thời, đề nghị lực lượng chức năng tại địa phương phối hợp tốt với đơn vị chủ rừng và các địa phương giáp ranh để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ tuần tra, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các hộ, tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Tiếp tục phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn; có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra phá rừng, mất rừng thuộc lĩnh vực quản lý. Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2025.
Căn cứ vào chương trình công tác, kế hoạch năm, hàng tháng, xã Phúc Thọ ban hành các kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, tổ chức các đoàn tuần tra vào tất cả các ngày trong tháng. Lực lượng tuần tra gồm 42 thành viên, chia thành 3 tổ, Đảng ủy đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy làm tổ trưởng. Trên địa bàn xã Phúc Thọ hiện có 9 tổ nhận khoán tham gia quản lý, bảo vệ rừng với tổng diện tích giao khoán bảo vệ là 2.364,61 ha. Hằng tháng, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Phúc Thọ cũng thường xuyên tổ chức đi kiểm tra rừng để kịp thời chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng chí Hoàng Văn Hải – Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thọ cho biết, Đảng ủy xã xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản và thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển địa phương. Do đó, đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội từ xã đến thôn phải kiên trì, kiên quyết tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.