Theo kết quả khảo sát do công ty tư vấn Sentix thực hiện trên 1.267 nhà đầu tư, chỉ số lòng tin của nhà đầu tư đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 2,4 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 4-2023.
Tương tự, chỉ số triển vọng tăng lên mức âm 2,3 điểm từ mức âm 5,5 điểm trong tháng 2. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 2-2022. Chỉ số tình hình hiện tại của Eurozone cũng tăng lên mức âm 18,5 điểm từ mức âm 20 điểm trong tháng trước. Nền kinh tế của Eurozone đã có những dấu hiệu phục hồi từ đầu năm nay. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) của Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB), do S&P Global thu thập, đã tăng lên 47,9 trong tháng 1 vừa qua – mức cao nhất kể từ tháng 7-2023.
Trước đó, bức tranh phục hồi bị che mờ bởi sự trì trệ của nền kinh tế Đức. Đi ngược lại xu hướng chung, chỉ số triển vọng của Đức giảm xuống âm 27,9 điểm do “suy thoái kinh tế dai dẳng”. Chỉ số về tình hình hiện tại thậm chí còn giảm xuống âm 40,5 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 7-2020. Sau giai đoạn trì trệ trong mùa xuân và hè năm ngoái, nền kinh tế Đức suy giảm 0,3% vào cuối năm 2023 do đầu tư giảm. Chính phủ Liên bang Đức dự báo nền kinh tế đất nước trong năm 2024 sẽ tăng trưởng chỉ ở mức 0,2%. Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck gần đây thừa nhận kinh tế Đức đang thoát ra khỏi khủng hoảng chậm hơn mong đợi.
Theo nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia tại HCOB, với việc cả giá đầu vào và đầu ra trong lĩnh vực dịch vụ đều tăng, ECB sẽ chưa sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ. Cuối tháng 1, ECB đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% và tái khẳng định cam kết chống lạm phát. Đây là lần thứ 3 liên tiếp ECB giữ nguyên lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất nhằm kiềm chế mức tăng của giá cả. Giới chuyên gia cho rằng Eurozone vẫn nên thận trọng. Giám đốc điều hành Sentix, Manfred Hübner, nhận định, sự phục hồi nói trên không phải là sự phục hồi điển hình thường thấy trong mùa xuân vì động lực tăng trưởng tương đối yếu, dựa trên chỉ số rất yếu vào cuối năm 2022.
VIỆT LÊ