Không chỉ huấn luyện giỏi, chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu cao, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, giúp dân xóa đói giảm nghèo…, cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh còn chăm lo xây dựng đời sống tinh thần ở cơ sở, tạo dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh.
Nhận thức rõ vai trò của văn hóa nghệ thuật đối với đời sống tinh thần của bộ đội, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong LLVT thường xuyên quan tâm xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ (VHVN) rộng khắp.
Món ăn tinh thần không thể thiếu
Một trong những điểm sáng của phong trào VHVN trong LLVT tỉnh là Tiểu đoàn 85 (Trung đoàn BB888). Ở đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và cơ động thực hiện các nhiệm vụ do cấp trên giao này, lời ca tiếng hát thường xuyên được cất lên trong thời gian giải lao trên thao trường và những giờ sinh hoạt đơn vị, sinh nhật chiến sĩ… Đại úy Lê Thanh Bình, Chính trị viên Tiểu đoàn 85 chia sẻ: Lời ca, tiếng đàn là món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Vì vậy, sinh hoạt VHVN vào tối thứ tư hàng tuần luôn được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chờ đợi. Lời ca, tiếng đàn giúp anh em thêm gắn bó với đơn vị, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời hiểu biết sâu hơn về truyền thống của quân đội, về các làn điệu dân ca, hò vè. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các chương trình giao lưu VHVN với các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân, tăng cường tình cảm quân dân ngày càng gắn bó.
Theo trung úy Lê Đô La, Trung đội trưởng Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn BB85, không chỉ mang tính giải trí, việc đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động VHVN giúp anh em trong đơn vị, nhất là những chiến sĩ mới xóa đi khoảng cách xa lạ, ngại ngùng để từ đó thấu hiểu, gắn kết hơn, cùng nhau chia sẻ, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi hát lên những bài hát quy định trong quân đội, cán bộ, chiến sĩ càng thêm tự hào là người lính Cụ Hồ.
Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, đứng chân ở những nơi xa dân cư, vì vậy, hoạt động VHVN luôn được cấp ủy, chỉ huy Đại đội 17 Công binh (Phòng Tham mưu) đặt lên hàng đầu. Cùng với bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, chăm lo đến từng bữa ăn của bộ đội, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, đưa hoạt động VHVN trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp. Từ đó đã xuất hiện những hạt nhân nòng cốt, trở thành những giọng ca, tay đàn không chuyên được đồng chí đồng đội yêu mến, ái mộ. Hạ sĩ Nguyễn Phùng Hậu là một điển hình. Không chỉ là người đàn guitar giỏi, hát hay, anh nhân viên quản lý này còn sáng tác ca khúc. Tại hội diễn Nghệ thuật quần chúng LLVT tỉnh lần thứ VIII vừa qua, ca khúc Đại đội 17 Công binh anh hùng do anh tự biên, tự diễn đạt giải Diễn viên xuất sắc nhất.
Lan tỏa rộng khắp
Theo dõi từ đầu đến cuối hội diễn Nghệ thuật quần chúng LLVT tỉnh lần thứ VIII – năm 2023 vừa qua mới cảm nhận sâu sắc hơn về sức lan tỏa của phong trào VHVN trong đời sống tinh thần của những người mặc áo lính.
Hội diễn có 12 đầu mối cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh tham gia, hội tụ những hạt nhân nòng cốt trong phong trào VHVN của từng đơn vị, gồm cả lực lượng bộ đội thường trực và dân quân tự vệ. Trong 60 tiết mục tham gia hội diễn của các đơn vị, tiết mục nào cũng được đầu tư dàn dựng công phu; mỗi tiết mục mang một sắc thái riêng và đều mang tính đồng đội rất cao, kể cả những tiết mục đơn ca. Phần thi hát luôn chiếm ưu thế trong các hội thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng và ở hội diễn này cũng vậy. Tuy nhiên, so với 37 tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, các tiết mục khác cũng chiếm số lượng đáng kể với 12 tiểu phẩm (kịch ngắn), 24 tiết mục múa. Ngoài ra, một số đơn vị còn có độc tấu, hòa tấu nhạc cụ thể hiện sự đa năng của người lính Cụ Hồ ngày nay. Nội dung chương trình, các tiết mục tham gia liên hoan cũng phản ánh rõ nét đời sống, sinh hoạt thường nhật và truyền thống của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nếu như những người lính đến từ Đông Hòa mang đến hội thi tổ khúc Vũng Rô huyền thoại Tàu Không số – Sáng mãi một con đường – Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, thì Tuy An có tổ khúc Đất nước trong trái tim ta – Đất nước bên bờ sóng – Non sông ngàn năm gấm vóc. Tương tự đơn vị Sông Cầu có hát múa Tiếng hò ra khơi, Tây Hòa có múa Mùa bão lũ, Phú Hòa có múa Đồng đội, Phòng Hậu cần – Kỹ thuật có múa Tải đạn…, Tuy Hòa có kịch Tìm cha, Sơn Hòa có kịch Khúc quân hành người lính…, Trung đoàn BB888 có đơn ca Lửa thiêng dân tộc, thì Sông Hinh có tam ca Gùi nắng đội mưa…
Đỉnh cao của phong trào VHVN trong LLVT tỉnh nhà được chắt lọc trong chương trình tham gia liên hoan Nghệ thuật quần chúng LLVT Quân khu 5 lần thứ VIII tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia 2 (Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vừa qua. Bằng niềm đam mê nghệ thuật và vì “màu cờ sắc áo”, những diễn viên, nhạc công là những hạt nhân nòng cốt của phong trào VHVN trong LLVT tỉnh đã thi diễn bằng cả tâm sức của mình, chiếm được tình cảm trọn vẹn của ban giám khảo và các đơn vị bạn. Chương trình với 5 tiết mục thì có đến 3 tiết mục đạt giải A, còn lại là giải B và được tặng cờ Chương trình xuất sắc. Trung tá Nguyễn Thị Phụng Bích Ly đạt giải Diễn viên xuất sắc nhất. Và không dừng lại trong khuôn khổ của liên hoan, những tiết mục văn nghệ đặc sắc này đã được những người lính kịp thời đưa đến cơ sở, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ diễn tập ở thao trường Suối Cối và người dân địa phương.
Phong trào VHVN, thể dục thể thao đã trở thành phong trào sâu rộng trong LLVT tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Từ đó tạo chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện lễ tiết tác phong quân nhân trong lao động, chiến đấu, công tác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội và người dân địa phương.
Trung tá Đỗ Thành Thái, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh |
HIẾU VY