Theo TS Nguyễn Định, văn học dân gian Nam Trung Bộ phong phú, đa dạng, gắn bó rất mật thiết với lịch sử của dân tộc, kết tinh và tỏa sáng ở một số thể loại.
TS Nguyễn Định |
TS Nguyễn Định vừa tổng kết một chặng đường nghiên cứu bằng cuốn sách Văn học dân gian Nam Trung Bộ, hai mươi năm, những tìm tòi và suy nghĩ. Đây là công trình thứ 5 của ông trong hành trình nghiên cứu văn học dân gian Nam Trung Bộ được ấn hành. Cuốn sách được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải 3A vào năm 2022.
Phóng viên Báo Phú Yên đã trò chuyện với TS Nguyễn Định về văn học dân gian Nam Trung Bộ và công trình nghiên cứu công phu của ông.
Nét độc đáo của văn học dân gian Nam Trung Bộ
* Thưa tiến sĩ, niềm say mê văn học dân gian được khơi nguồn từ đâu?
– “Gốc gác” tôi là giáo viên dạy Văn. Và dạy Văn thì có phần văn học dân gian. Thứ hai, tôi cho rằng không ai trong cuộc đời này mà không được sinh ra từ “chiếc nôi” văn hóa, văn học dân gian. Đó là nguồn cảm hứng, nguồn động lực thôi thúc tôi nghiên cứu văn hóa dân gian nói chung, văn học dân gian nói riêng.
* Văn học dân gian Nam Trung Bộ có gì khác biệt, thưa tiến sĩ?
– Văn học dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung ở mỗi vùng miền đều có sắc thái, đặc điểm riêng biệt, người ta gọi là đặc trưng vùng miền. Văn học dân gian Nam Trung Bộ cũng có những đặc trưng riêng. Đặc trưng thứ nhất là có tương đối đầy đủ các thể loại của văn học dân gian. Văn học dân gian Việt Nam cũng như văn học dân gian thế giới có 13 thể loại. Trên mảnh đất Nam Trung Bộ, văn học dân gian có tương đối đầy đủ 13 thể loại ấy, cho nên người ta nói văn học dân gian Nam Trung Bộ phong phú, đa dạng.
Đặc trưng thứ hai là văn học dân gian Nam Trung Bộ gắn bó rất sâu sắc, mật thiết với lịch sử dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc chúng ta có hai quá trình nổi bật, là quá trình Nam tiến và Tây tiến. Quá trình Nam tiến của người Việt được phản ánh rất rõ trong văn học dân gian Nam Trung Bộ. Chính điều này làm cho văn học dân gian Nam Trung Bộ gắn bó rất mật thiết với lịch sử.
Văn hóa Việt Nam có một dòng chảy từ Bắc vào Nam cùng với quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam. Và có một dòng chảy ngược lại, từ Nam ra Bắc. Gắn với hai dòng chảy này, văn hóa dân gian nói chung, văn học dân gian nói riêng đóng vai trò trung chuyển văn hóa Việt Nam. Đó là đặc trưng thứ ba.
Và đặc trưng cuối cùng của văn học dân gian Nam Trung Bộ là sự kết tinh và tỏa sáng ở một số thể loại. Một số tác phẩm rất đặc sắc, độc đáo. Ví dụ: Kịch bản sân khấu bài chòi của văn học dân
gian Nam Trung Bộ là một nhóm tác phẩm đặc sắc. UNESCO đã công nhận nghệ thuật bài chòi Trung Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có đóng góp rất độc đáo của kịch bản sân khấu bài chòi. Đó chính là kết tinh của văn học dân gian Nam Trung Bộ.
Một điểm nữa là sử thi Nam Trung Bộ. Nói tới sử thi của Việt Nam mà trung tâm ở Tây Nguyên là chưa đầy đủ, phải nói tới những tác phẩm sử thi ở phía tây các tỉnh Nam Trung Bộ. Cụ thể, phía tây các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng đều có sử thi. Như vậy, tham gia vào việc làm giàu cho sử thi Việt Nam còn có những tác phẩm sử thi ở phía tây các tỉnh Nam Trung Bộ. Đó cũng là một đặc trưng, một nét độc đáo của văn học dân gian Nam Trung Bộ.
* Một trong những điểm lôi cuốn của văn học dân gian là yếu tố thần kỳ. Sự xuất hiện của yếu tố thần kỳ trong văn học dân gian được lý giải như thế nào, thưa tiến sĩ?
– Văn học dân gian có những thủ pháp nghệ thuật thu hút người nghe, người thưởng thức, làm cho họ thích thú, trong đó các thể loại: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích có yếu tố thần kỳ. Tôi có một công trình nghiên cứu về đề tài này.
Có thể tóm tắt như thế này: Nguồn gốc của yếu tố thần kỳ, yếu tố huyền thoại trong văn học dân gian gắn liền với nhu cầu giải thích thế giới của người thời xưa. Họ có nhu cầu giải thích các hiện tượng tự nhiên, hiện tượng xã hội… vượt quá tầm hiểu biết của họ, trong bối cảnh khoa học chưa phát triển. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc người ta nhờ vào các yếu tố thần thánh. Ví dụ, người ta cho rằng ngọn núi là do thần núi tạo nên, con sông do thần sông tạo nên; con người cũng do một thế lực siêu nhiên tạo nên. Điều này dẫn tới việc người ta đưa yếu tố thần kỳ, yếu tố huyền thoại vào trong tác phẩm thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích. Nguồn gốc của yếu tố thần kỳ, yếu tố huyền thoại trong văn học dân gian xuất phát từ nhu cầu giải thích thế giới của con người thời xưa.
Hai công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Định về văn học dân gian, xuất bản năm 2022. Ảnh: YÊN LAN |
Bảo tồn, phát huy văn học dân gian
* Văn học dân gian Nam Trung Bộ, hai mươi năm, những tìm tòi và suy nghĩ là công trình thứ 5 của tiến sĩ trong hành trình nghiên cứu văn học dân gian Nam Trung Bộ được ấn hành. Tiến sĩ muốn gửi gắm điều gì vào cuốn sách công phu này?
– Công trình này tổng kết một chặng đường khá dài – 20 năm – trong hành trình sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Phú Yên nói riêng, văn học dân gian Nam Trung Bộ nói chung và cả văn học dân gian Việt Nam. Dĩ nhiên tôi vẫn tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu. Thời gian tới, tôi hoàn thiện các bản thảo về văn học dân gian Nam Trung bộ và Phú Yên để ấn hành.
Từ năm 2002-2022, tôi đã xuất bản một số cuốn sách như Văn học dân gian Sông Cầu, Văn học dân gian Phú Yên, Yếu tố thần kỳ trong truyền thuyết và truyện cổ tích người Việt ở Nam Trung Bộ, Ngôn ngữ và thể thơ ca dao Nam Trung Bộ và cuốn Văn học dân gian Nam Trung Bộ, hai mươi năm, những tìm tòi và suy nghĩ. Cuốn sách này tập hợp toàn bộ bài viết của tôi được in trong các tạp chí chuyên ngành và một số bài viết mà tôi thực hiện khi quyết định in sách, để công trình nghiên cứu có đầy đủ nội dung. Cuốn sách gồm 4 phần: Một số vấn đề chung của văn học dân gian Nam Trung Bộ; Những kết quả tìm hiểu ca dao Nam Trung Bộ; Những kết quả khảo sát truyền thuyết và truyện cổ tích Nam Trung Bộ và phần cuối cùng là Những kết quả nghiên cứu văn học dân gian đất mẹ Phú Yên. Theo tôi, cuốn sách có 3 điểm nhấn: Văn học dân gian Nam Trung Bộ với văn hóa Nam Trung Bộ, văn học dân gian Nam Trung Bộ với sự phát triển của vùng đất này và văn học dân gian Nam Trung Bộ với khoa học về folklore – văn hóa dân gian.
Thời gian trôi qua, khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ; di sản văn hóa truyền thống mai một, văn học dân gian cũng vậy. Do đó, văn học dân gian rất cần được bảo tồn, phát huy, rất cần được ứng dụng để góp phần phát triển xã hội. Điều tôi mong muốn là các cấp, ngành, mọi người, mà đi đầu là các nhà nghiên cứu văn học dân gian sớm nghiên cứu, đưa văn học dân gian ứng dụng vào việc phát triển văn hóa – xã hội, kinh tế của Phú Yên nói riêng, Nam Trung Bộ nói chung. Khi văn học dân gian góp phần vào việc phát triển văn hóa – xã hội, phát triển kinh tế thì nó sẽ được bảo tồn, phát huy và trường tồn với văn hóa dân tộc, trường tồn với đời sống. Đó là điều sâu thẳm mà tôi muốn gửi gắm thông qua công trình này nói riêng cũng như các công trình đã xuất bản nói chung.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
TS Nguyễn Định sinh năm 1961, quê ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa), hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Phú Yên. Ông tốt nghiệp đại học Ngữ văn tại Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 1985, bảo vệ luận án tiến sĩ Văn hóa học tại Viện Nghiên cứu văn hóa năm 2008. |
YÊN LAN (thực hiện)