Đất sản xuất nông nghiệp là một cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành cấu thành nên CSDL về đất đai. Mặt khác, hệ thống thông tin đất đai và CSDL đất đai là công cụ để thực hiện công tác quản lý hiện đại, giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất và cung cấp dịch vụ công cho người dân…
Đây chính là các yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên đất, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời là hạ tầng mềm và là công cụ cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý đất đai. Vì vậy, việc nghiên cứu và sớm xây dựng CSDL số về đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Yên là rất cần thiết, nhằm thực hiện đúng chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh và từng bước hướng đến nền nông nghiệp thông minh 4.0.
Cần thiết
Thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, Phú Yên đã đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Nông nghiệp Phú Yên có tốc độ tăng trưởng ổn định với giá trị gia tăng bình quân đạt gần 4%/năm và đóng góp gần 24% giá trị tổng sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Ngành đã thu hút 548 doanh nghiệp, 42 dự án trong nước và nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp với hơn 7.000 tỉ đồng.
TS Lâm Văn Hà (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) báo cáo nghiên cứu về đất trồng sen trên địa bàn tỉnh. Ảnh: LỆ VĂN |
Trong trồng trọt, tỉnh đã chú trọng xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, liên kết trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đưa sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn tỉnh hơn 40.000 tấn/năm. Song song đó, Phú Yên cũng đã chuyển đổi 3.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, nhờ thay đổi cơ cấu giống và mật độ gieo sạ phù hợp nên năng suất vụ lúa đông xuân của tỉnh đạt bình quân 76 tạ/ha và nằm trong top các tỉnh có năng suất lúa cao của cả nước. Các mô hình cây ăn trái có chất lượng như: Bơ, sầu riêng hạt lép, mãng cầu, mít Thái… ở các huyện miền núi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên cùng một diện tích đất…
Tuy nhiên, đến nay Phú Yên vẫn chưa có một hệ thống quản lý, chia sẻ CSDL về tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp đến quy mô ô thửa với các đối tượng cây trồng đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Hiện nay, Phú Yên có số liệu về thổ nhưỡng tương đối phong phú nhưng còn phân tán, chưa hệ thống, chưa được khai thác sử dụng phổ biến. Do đó, việc khai thác sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định. Để góp phần bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững kinh tế của tỉnh, việc nghiên cứu và sớm xây dựng CSDL số về đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Yên là rất cần thiết.
Nền tảng để chuyển đổi số nông nghiệp
Trước thực trạng và nhu cầu của tỉnh, việc nghiên cứu xây dựng CSDL số về đất sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết và cấp bách đối với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung.
Tháng 12/2022, Bộ KH&CN triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng CSDL số về đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Yên”. Đây là đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp quốc gia do TS Lương Đức Toàn (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) làm chủ nhiệm, với tổng kinh phí thực hiện 11,8 tỉ đồng; trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương hỗ trợ 9,9 tỉ đồng, còn lại là nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh. Thời gian thực hiện dự kiến đến hết năm 2025.
Theo TS Lương Đức Toàn, mục tiêu chung của đề tài là xây dựng được bộ CSDL số và công cụ trực tuyến quản lý, chia sẻ CSDL về đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Yên. Đồng thời đề xuất được giải pháp sử dụng bền vững đất sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
“Trong thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu phải xây dựng được bộ CSDL số về đất nông nghiệp tỉnh Phú Yên (bản đồ số hóa trên nền VN 2000, tỉ lệ 1/10.000 cấp xã; 1/25.000 cấp huyện; 1/50.000 cấp tỉnh) bao gồm: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất chi tiết đến kiểu sử dụng đất, dữ liệu về thổ nhưỡng, dữ liệu về nông hóa, dữ liệu về đề xuất hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Hiện nhóm nghiên cứu đã lấy xong các mẫu đất ở 9 huyện, thị xã, thành phố để xây dựng phần mềm trực tuyến (WebGIS) quản lý đất sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình sử dụng đất và phân bón hợp lý cho cây lúa, cũng như đề xuất các giải pháp sử dụng đất và phân bón có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp bền vững tỉnh Phú Yên”, TS Lương Đức Toàn cho biết.
Mới đây, tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu xây dựng CSDL số về đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Yên” do Sở KH&CN phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cho rằng việc nghiên cứu xây dựng được bộ CSDL số về đất nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề. Trong đó, các cấp quản lý sẽ thiết lập hệ thống CSDL đầy đủ, khoa học, chính xác về tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp; thuận tiện trong việc lưu trữ, quản lý và sử dụng.
Đối với người dân, CSDL này sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về đặc tính đất đai tại thửa ruộng mình đang canh tác; có được khuyến cáo sử dụng phân bón khoa học theo diện tích, cây trồng và đặc điểm thổ nhưỡng, từ đó vừa giảm chi phí do đầu tư phân bón không đúng, vừa nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng. Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ dễ dàng biết được những cây trồng phù hợp với đặc thù đất đai của Phú Yên để có thể định hướng kinh doanh, sản xuất; dự trù được nhu cầu sử dụng phân bón theo mùa vụ với cây trồng để có thể điều tiết việc mua bán phân bón chủ động. Đối với các cán bộ khuyến nông, lực lượng này sẽ có được một công cụ, địa chỉ để cung cấp thông tin và trực tiếp chỉ đạo sản xuất, khuyến cáo sử dụng phân bón cho bà con thuận lợi, nhanh chóng…
Kết quả của đề tài sẽ khẳng định thêm về vai trò của KH&CN trong thực tế sản xuất nông nghiệp và đóng góp thêm về các công trình nghiên cứu trong bộ CSDL khoa học của tỉnh Phú Yên cũng như trên toàn quốc về giải pháp KH&CN cho các vùng đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời là nguồn tư liệu khoa học cho các ngành khoa học khác tham khảo và định hướng các nghiên cứu tiếp theo về nông nghiệp, sinh thái, môi trường, đặc biệt là trong xu thế chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN |
VĂN TÀI