Trên cánh đồng từ Đông Hòa, Phú Hòa đến Tuy An, Đồng Xuân, lúa hè thu đang vào kỳ đón đòng. Tranh thủ lúc sáng sớm, chiều muộn, bà con rủ nhau đi thăm đồng phòng trừ sâu bệnh hại lúa, chuột cắn phá…
Nụ cười tươi dưới nắng nóng
Chiều, ông Trần Văn Tâm ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân đội thúng phân ra cánh đồng Trường trước nhà vãi cho lúa đón đòng. Ông Tâm cười tươi nói: Lúa hè thu nay đã gần một tháng rưỡi, nên tôi bón thúc đợt phân cuối cùng cho lúa có sức làm đòng, ra gié dài.
Theo kinh nghiệm, vãi phân xong, ông Tâm đi xung quanh bờ ruộng nhìn dưới bờ xem có lỗ mậu rịn thì cuốc đất đắp cho kỹ để không bị trôi phân. Tiếp đó, ông dùng tay vạch một đường cho hàng lúa ló gốc, nhìn xem rầy có đu bám thì phòng trừ. “Làm lúa vụ hè thu, nông dân lo rầy và khô hạn. Với 2 loại rầy nâu và rầy lưng trắng, nếu không phòng trừ, lúa dễ bị rầy trên diện rộng, mất năng suất”, ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Văn Phước, nhân viên tổ thủy nông Hồ chứa nước Phú Xuân (Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam), dẫn nước tưới cánh đồng Thành và đồng Núi Một (xã Xuân Quang 3), đến từng đám ruộng liên vùng, dùng cuốc khui từng trổ ruộng cho nước chảy vào.
Ông Phước cho biết: Cánh đồng này xa nguồn nước của hồ Phú Xuân nên có năm nắng hạn, cả cánh đồng nứt nẻ, bỏ hoang. Vụ hè thu 2023 này, để bảo đảm đủ nước tưới, tổ thủy nông phải thường xuyên kiểm tra, tránh tình trạng bể mương, nước thất thoát xuống bàu, ra sông. Trời nắng nóng, tôi tranh thủ đi lúc sáng sớm và chiều tối để tránh cái nắng gay gắt.
Cũng theo ông Phước, hiện nay, nguồn nước từ hồ Phú Xuân chảy về đủ tưới cho cánh đồng này. Nếu nắng hạn kéo dài, nước đầu nguồn có thể thiếu hụt. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của người dẫn nước lâu năm như ông, chỉ cần tưới ngập – khô xen kẽ, lá lúa ăn phân vẫn trải màu xanh.
Cánh đồng dọc đường sắt từ ga Chí Thạnh vào đến cánh đồng Gò Bùn, xã An Cư (huyện Tuy An), lúa đang thì con gái. Bà Bùi Thị Minh Hà đi thăm lúa, nhìn màu xanh cánh đồng, cười tươi nói: Cánh đồng này thường nhiễm mặn, phụt phèn. Khi đó, cây lúa héo úa, vãi phân mấy cũng không xanh nên phải có nguồn nước ngọt rửa mặn, phèn kịp thời. Mấy năm trước, có vụ hè thu nước sông Lò Gốm xuống thấp không đủ rửa mặn, phèn, nay mực nước sông ở mức cao nên nông dân không lo thiếu nước.
Ngăn chuột cắn phá
Dọc các cánh đồng từ Đông Hòa đến Phú Hòa, nông dân dùng bao ni lông giăng khắp ruộng lúa để bẹo chuột. Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) đang cắm ni lông cho hay: Chuột cắn nát lúa. Tôi dùng những cọc nhỏ, trên đầu quấn tấm ni lông đem ra bẹo chỗ chuột cắn lúa để chúng sợ mà đi nơi khác. Có nơi nông dân treo trên đầu cây vỏ lon bia, nước ngọt để tạo tiếng kêu to cho chuột sợ.
Ông Nguyễn Văn Đông ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, chia sẻ: Nhiều năm bẹo chuột, tôi và nhiều người để ý, chỗ nào bẹo thì có giảm, còn những chỗ khác chuột vẫn cắn phá. Sâu ăn lá còn lại thân cây lúa, còn chuột cắn là đứt tiện gốc, cắn chòm nào mất trắng chòm đó.
Trên cánh đồng phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa), phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), ban đêm bà con dùng bẫy bán nguyệt bẫy chuột khắp các thửa ruộng. Sáng, ông Lê Văn Ba ở phường Hòa Vinh ra ruộng thu gom bẫy, cho hay: Trước đây, nhiều đám ruộng dọc quốc lộ 1 ra các trại vịt giữa đồng Phước Lộc (xã Hòa Thành), chuột đào hang ẩn nấp trong các mô đất cạnh kẽ đá, người bắt không thể phá hết hang nên chuột sinh sản nhiều, cắn phá lúa. Vào đầu vụ sản xuất, bà con đã ra quân diệt chuột, nhưng do địa hình có nhiều bờ vùng, bờ cao, lại không tiến hành đồng bộ nên chuột di chuyển từ vùng này đến vùng khác.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ lúa hè thu, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ hơn 24.830ha. Trà chính vụ lúa giai đoạn đẻ nhánh, cuối đẻ nhánh. Trà muộn lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Hiện ruộng lúa bị chuột gây hại 13ha tại Tuy An và Đông Hòa; bọ trĩ gây hại 1,8ha, tại Sơn Hòa; sâu keo gây hại 3,5ha, tại Đồng Xuân. Ngoài ra, một số đối tượng gây hại rải rác dưới mức nhiễm như bọ xít đen, gây hại 16,8ha tại Đông Hòa, Phú Hòa và Tuy Hòa; sâu cuốn lá nhỏ gây hại 0,5ha tại Tuy An.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, để phòng chống sâu bệnh hại lúa hè thu 2023, bà con nông dân cần tăng cường các biện pháp chăm sóc và theo dõi đối tượng sinh vật gây hại như chuột, bọ trĩ, rầy, sâu đục thân…; đồng thời triển khai các biện pháp diệt chuột đồng loạt xuyên suốt cả vụ.
Có năm, chuột cắn phá từ khi cây lúa vừa ra lá non, nhiều đám ruộng hiện ra chòm đất trống to bằng cái sàng, cái nong. Còn vụ này, bà con nông dân chịu khó thức đêm đặt bẫy diệt chuột nên ruộng lúa trải dài, xanh mượt.
Ông Lê Văn Ba ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa |
MẠNH LÊ TRÂM