Tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp năm 27 tuổi, được Nhà nước Pháp phong hàm phó giáo sư năm 30 tuổi và hiện đang giảng dạy tại Trường đại học công lập University Jean Moulin Lyon III, TP Lyon (Pháp)… là những thông tin về PGS.TS Nguyễn Nhật Nguyên, quê ở phường 7, TP Tuy Hòa.
PGS.TS Nguyễn Nhật Nguyên (thứ tư, từ trái sang) đang làm thông dịch viên cho đoàn ngoại giao của TP Le Havre (Pháp) trong buổi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Ảnh: HÀ MY |
Mới đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ anh Nguyên khi anh đang trong chuyến công tác cùng đoàn ngoại giao của TP Le Havre (Pháp) về thăm, làm việc với Phú Yên. Nhìn lại thành quả đạt được, phó giáo sư 34 tuổi chia sẻ, dù học tập, sinh sống ở quốc gia nào thì niềm tự hào, tự tôn dân tộc luôn đặt lên hàng đầu, là động lực thôi thúc anh nỗ lực vượt qua bao khó khăn, từng bước khẳng định bản thân.
Hành trình đến với tháp Eiffel
Anh Nguyên hiện là phó giáo sư ngành Khoa học quản trị, chuyên ngành Marketing và Kinh doanh quốc tế tại Học viện Quản trị hành chính của Trường đại học công lập University Jean Moulin Lyon III, TP Lyon (Pháp). Cựu học sinh lớp chuyên Pháp niên khóa 2004-2007 của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đang giữ cương vị giám đốc của hai chương trình: thạc sĩ chất lượng cao ngành Kinh doanh quốc tế và cử nhân năm 3 ngành Quản trị và kinh doanh toàn cầu. Ngoài ra, TS Nguyên còn là thành viên của hội đồng khoa học cấp trường. Để có được vị trí này, chàng trai sinh năm 1989 đã cố gắng không ngừng để khẳng định mình.
TS Nguyên chia sẻ: Khi đang học cuối năm 4 hệ cử nhân ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, tôi được Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chọn để bảo vệ luận văn bằng tiếng Pháp. Bài nghiên cứu đạt điểm cao nhất lớp và tôi vinh dự được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) trao học bổng thạc sĩ. Tôi chọn Trường đại học Lille 2 (Pháp) cho chương trình thạc sĩ và chuyển hướng sang nghiên cứu khoa học với mục tiêu trau dồi vốn kiến thức còn bị giới hạn.
Trong quá trình học thạc sĩ, Nguyên được các đồng nghiệp và giáo sư có vốn kiến thức và văn hóa phong phú truyền lửa nên anh ấp ủ ý định nghiên cứu lên chương trình tiến sĩ. Ngay trong giai đoạn viết luận văn thạc sĩ, anh giành học bổng tiến sĩ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để nghiên cứu về sự giao thoa và chuyển động văn hóa tiêu dùng toàn cầu ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp chương trình tiến sĩ tại Trường đại học Lille 2, Nguyên được nhận vào chương trình sau tiến sĩ của một trường quản trị kinh doanh dân lập có tiếng ở Pháp. Trong một năm làm việc tại trường, anh được đồng nghiệp cũ ở Trường đại học Lille 2 mời thỉnh giảng. Bài giảng của Nguyên được sinh viên đánh giá cao và Nguyên trở thành giảng viên hợp đồng của Trường đại học Lille 2.
“Việc giảng dạy ở trường đại học công lập đã giúp tôi nhận ra rằng môi trường công lập phù hợp với định hướng nghiên cứu và tính hiếu kỳ trong nghiên cứu của mình. Từ đó, tôi đã ứng tuyển vào các trường đại học công lập ở Pháp. Nhờ vào tính độc đáo của các bài nghiên cứu, tính đa dạng của chủ đề nghiên cứu, cũng như chất lượng giảng dạy được sinh viên Pháp và đồng nghiệp đánh giá cao, tôi được nhận vào Trường đại học công lập Jean Moulin Lyon III giảng dạy. Sau một năm thử thách, tôi được Nhà nước Pháp phong hàm phó giáo sư”, Nguyên bộc bạch.
PGS.TS Nguyễn Nhật Nguyên. Ảnh: HÀ MY |
Nỗ lực khẳng định trên con đường nghiên cứu
Trong môi trường học thuật công lập của Pháp, người Việt giữ vị trí giáo sư hay phó giáo sư không phải hiếm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học kinh tế, quản lý và xã hội nhân văn thì số lượng người Việt ở vị trí này đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chính để giải thích cho sự khan hiếm, đó là sự thuần thục trong việc sử dụng ngôn ngữ để có khả năng giảng dạy và tính độc đáo không thể thay thế trong nghiên cứu. Để có thể sử dụng được tiếng Pháp hàn lâm, Nguyên đọc rất nhiều sách nghiên cứu và các tạp chí phổ thông, xem một số chương trình truyền hình được ưa chuộng bởi giới trí thức Pháp; qua đó, Nguyên nắm bắt được những thông tin mà giới trí thức Pháp đang quan tâm. Nhờ vào việc đọc và xem những chương trình như thế, Nguyên đã hiểu và sử dụng được tiếng Pháp hàn lâm trong cuộc sống cũng như công việc. Đồng nghiệp Nguyên hay bảo rằng anh nói tiếng Pháp giỏi hơn người bản xứ vì anh có thể hiểu và tham gia vào những buổi trò chuyện thường ngày của giới hàn lâm.
Về tính độc đáo không thể thay thế trong nghiên cứu, Nguyên là một trong số rất ít người Việt làm nghiên cứu về khoa học kinh tế, quản lý và xã hội nhân văn tại Pháp có định hướng nghiên cứu về ngành công nghiệp văn hóa của toàn cầu nói chung và của Đông Á nói riêng. Trong các nghiên cứu, anh thường sử dụng tổ hợp các phương pháp nghiên cứu và lý thuyết được phát triển bởi các nhà triết học, xã hội học, và nhân học của Pháp và Anh để nghiên cứu về cách thức các nội dung văn hóa được tạo dựng, phổ biến trong thị trường. Ngoài ra, anh còn kết hợp thêm các hệ tư tưởng của châu Á trong các nghiên cứu của mình. Nhờ đó, các nghiên cứu của anh được đánh giá khá cao vì tính độc đáo của nó. Luận án tiến sĩ của anh nhờ đó được trường đề xuất tranh cử luận án tiến sĩ xuất sắc của vùng phía Bắc nước Pháp. Một nghiên cứu gần đây của anh cũng được vinh danh nghiên cứu xuất sắc tại hội nghị học thuật năm 2022 của Hiệp hội Pháp ngữ về quản trị đa quốc gia.
Bắt nhịp cầu gắn kết hai địa phương
Cùng đoàn ngoại giao của TP Le Havre do bà Caroline Leclercq, Phó Thị trưởng phụ trách quan hệ quốc tế làm trưởng đoàn, Nguyên vừa có chuyến công tác trở về quê hương Phú Yên sau hơn 3 năm không về do COVID-19. Nguyên giữ vai trò là thông dịch viên cho Phó Thị trưởng phụ trách quan hệ quốc tế TP Le Havre trong buổi thăm và làm việc với đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành. Ngoài ra, Nguyên còn là hướng dẫn viên đưa bà Caroline Leclercq thăm một số trường học trên địa bàn tỉnh có tổ chức dạy và học tiếng Pháp; cầu nối để Phó Thị trưởng phụ trách quan hệ quốc tế TP Le Havre gặp gỡ và trò chuyện với học sinh học tiếng Pháp của tỉnh.
Nguyên cho biết: Qua cuộc trò chuyện với lãnh đạo tỉnh trong lần về thăm quê này, tôi thấy được tiềm năng phát triển về du lịch xanh của Phú Yên và quyết tâm rất cao của tỉnh trong việc phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Phú Yên có những yếu tố như cảnh quan, con người, môi trường để xây dựng mô hình du lịch xanh và du lịch bền vững. Tuy nhiên, Phú Yên cần có một chiến lược tốt, cụ thể. Tôi có thể làm cầu nối giữa các chuyên gia Pháp và Phú Yên trong việc xây dựng mô hình thành phố du lịch xanh”.
Chia sẻ dự định trong thời gian tới, phó giáo sư 34 tuổi cho biết sắp tới anh sẽ về Việt Nam nhiều hơn vì được một số trường đại học mời thỉnh giảng. Ngoài ra, vì các chương trình nghiên cứu của anh xoay quanh thị trường Pháp và Việt Nam, nên việc trở về Việt Nam thường xuyên giúp Nguyên nắm bắt được sự vận động và phát triển như vũ bão của thị trường này, nhất là về sự thay đổi của văn hóa tiêu dùng, cũng như văn hóa của giới trẻ Việt Nam. Điều này sẽ giúp anh có những phát kiến, chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của thị trường; đồng thời mang tiếng nói và văn hóa mới của giới trẻ Việt Nam đến với thế giới thông qua các bài viết của anh trên các tạp chí chuyên môn của nước ngoài.
Vừa qua, đoàn ngoại giao của TP Le Havre và lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã có buổi gặp gỡ để bàn về việc hợp tác trao đổi học sinh ngắn hạn giữa hai thành phố; qua đó giúp các em có cơ hội giao lưu, tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ của hai nước Pháp – Việt, giúp phát triển mối quan hệ song phương giữa hai địa phương. Tôi hy vọng sẽ làm cầu nối để xúc tiến chương trình này trong thời gian gần nhất.
PGS.TS Nguyễn Nhật Nguyên |
HÀ MY