TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, TX Sông Cầu, huyện Tuy An là 4 địa phương có biển của tỉnh. Đây là những nơi có số lượng đơn vị kinh tế tập thể hoạt động trên lĩnh vực thủy hải sản nhiều nhất. Tuy chưa thực sự nổi bật so với các thành phần kinh tế khác, song khi được tạo điều kiện, các HTX có thể phát huy khả năng trong chế biến và xây dựng thương hiệu thủy hải sản địa phương.
Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ phương tiện giúp HTX Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) tăng diện tích sản xuất muối trải bạt. Ảnh: MINH DUYÊN |
HTX nỗ lực
Thành lập từ năm 1979, đến nay HTX Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) vẫn đồng hành với diêm dân trong sản xuất, chế biến muối. Đơn vị cũng được chính quyền địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ quản trị thương hiệu muối Tuyết Diêm. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX này, chia sẻ: Hoạt động chính của HTX là sản xuất muối hạt, gồm muối kết tinh trên nền đất và muối sạch trải bạt. Để hỗ trợ bà con sản xuất, HTX còn mở dịch vụ cấp thoát nước, tu sửa bảo vệ đê bao các tuyến kênh nội đồng. Thành công lớn nhất của HTX là cùng bà con triển khai kỹ thuật sản xuất muối trải bạt trên đồng, tạo ra sản phẩm muối sạch giúp tăng hiệu quả kinh tế. Từ năm 2020 đến nay, mô hình này duy trì sản xuất ổn định trên diện tích 10ha, chiếm trên 8% trong toàn bộ diện tích sản xuất muối do HTX quản lý.
Cái tên HTX Sản xuất nghề cá Mỹ Quang (huyện Tuy An) đã không còn nữa bởi những khó khăn trong nghề khai thác ngoài khơi, nhưng chính những con người từng là cán bộ HTX ấy đã nuôi dưỡng nên thương hiệu nước mắm Mỹ Quang hôm nay. Ông Nguyễn Hồng Sơn từng là giám đốc HTX này đã truyền nghề cho con gái đưa sản phẩm nước mắm truyền thống quê hương có mặt ở thị trường TP Hồ Chí Minh bằng việc thành lập Công ty Thương mại dịch vụ Mỹ Quang. Cách đây gần 10 năm, khi buộc phải giải thể HTX, ông Sơn đã chia sẻ tâm huyết: Thất bại khi vay vốn ngân hàng đóng thuyền công suất lớn để đánh bắt xa bờ khiến HTX phải giải thể là điều rất đáng tiếc. Nhưng đó chưa phải là dấu chấm hết, không hoạt động khai thác thì có thể chuyển sang làm chế biến hoặc các dịch vụ hậu cần khác, vẫn là bám biển, vẫn là hoạt động thủy hải sản. Đặc biệt, người làng Mỹ Quang có nghề truyền thống làm nước mắm bao đời, không có HTX thì có thể thành lập tổ hợp tác để bà con cùng làm. Tôi mong muốn được thành lập tổ hợp tác sản xuất nước mắm để giữ nghề cho con cháu.
Năm 2019, Nghị định 77 của Chính phủ về tổ hợp tác ra đời siết hoạt động với những yêu cầu pháp lý, nên mong muốn của ông Sơn không thực hiện được. Tuy nhiên, ông vẫn truyền được khát khao nghề cho con và đến nay việc sản xuất nước mắm ở Mỹ Quang vẫn được duy trì theo hình thức nhóm, tổ, đội và được Công ty Thương mại dịch vụ Mỹ Quang tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Câu chuyện của nguyên giám đốc HTX Sản xuất nghề cá Mỹ Quang, cho thấy thành viên HTX thủy sản rất tâm huyết với nghề biển và rất mong muốn được cùng nhau phát triển nghề truyền thống địa phương. Điều đáng tiếc là kinh tế tập thể chưa tận dụng được lợi thế này để củng cố hoạt động nên không có được những điển hình HTX thủy sản làm tiên phong tạo động lực cho các HTX thủy sản khác vực dậy, cũng như để ngư dân, các tổ đội sản xuất trên biển chọn mô hình HTX để phát triển.
Vị trí của HTX thủy sản
Trong giai đoạn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia của thành phần kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX thủy sản. Theo Liên minh HTX tỉnh, trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh, tổ chức sản xuất trên biển định hướng theo mô hình tập thể, liên kết chuỗi. Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh tích cực vận động thành lập các HTX thủy hải sản, trọng tâm ở 4 địa phương có biển. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương này coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc phát triển kinh tế tập thể, HTX lĩnh vực thủy sản. Hiện TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu đã thành lập HTX Tôm hùm Sông Cầu và HTX Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên, gắn với xây dựng thương hiệu tôm hùm và hình thành chuỗi giá trị trên con cá ngừ.
Ông Lê Hải Đăng, Tổng Giám đốc HTX Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên, cho biết: Mục tiêu của HTX là đẩy mạnh hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cá ngừ, góp phần củng cố giá trị thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên; tạo việc làm cho các thành viên, tăng thu nhập cho kinh tế hộ. HTX cũng phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá hỗ trợ ngư dân và bà con làng chài phát triển sản xuất, kinh doanh…
Đây là giai đoạn các HTX thủy sản có nhiều cơ hội để vực dậy hoạt động. Hiện nay, tại các làng biển, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, chế biến… diễn ra rất sôi động nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mô hình hộ gia đình làm thô bán tiểu ngạch. Việc thành lập các HTX thủy sản để xây dựng thương hiệu sẽ hỗ trợ tích cực cho bà con trong sản xuất, chế biến và mở ra cơ hội tiêu thụ thủy hải sản chính ngạch.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
BẠCH VÂN