Trong sự phát triển của đô thị, cầu ngày càng đóng vai trò quan trọng, cầu không chỉ là công trình giao thông mà còn là nơi đợi chốn chờ, là không gian đón gió, là nơi trang trí cờ hoa trong những ngày lễ tết… Trên thực tế, đã có nhiều cây cầu trong đô thị trở thành những công trình kiến trúc cảnh quan có giá trị.
Dấu ấn những cây cầu
Giao thông trong đô thị được xem như những dòng chảy trong huyết quản của cơ thể. Để cho các dòng chảy đó liên tục lưu thông, không bị tắc nghẽn khi đi qua những dòng sông hay các tuyến đường cắt ngang, người ta buộc phải xây dựng cầu, đó chính là lý do cầu xuất hiện từ rất sớm.
Cây cầu lâu đời nhất trên thế giới xuất hiện ở Hy Lạp vào khoảng 1.300 năm trước Công Nguyên. Những chiếc cầu đơn giản được xếp bằng những hòn đá vượt qua các con suối nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại. Sau này, cầu được xây dựng quy mô, hoành tráng hơn, trở thành những công trình nghệ thuật tô điểm cho đô thị. Tiêu biểu như cầu Fabricius tại Rome (Ý) được xây dựng năm 135 trước Công Nguyên, công trình kiến trúc này trở thành biểu tượng của thành Rome.
Hay tại Tô Châu (Trung Quốc), đô thị này được các con sông bao quanh nên có nhiều cây cầu trong nội thành. Điều đặc biệt là các cây cầu có hình dáng hoàn toàn khác nhau và khá đẹp, đây là nét đặc trưng mà ít đô thị nào có được.
Tại Việt Nam, trước năm 1975 có cầu Long Biên ở Hà Nội, cầu Tràng Tiền ở Huế, cầu có mái Nhật Bản ở Hội An, cầu Đà Rằng ở Tuy Hòa… là những cây cầu đẹp nhiều người biết đến. Trong những năm gần đây với sự tiến bộ của khoa học, chúng ta đã có những cây cầu khá ấn tượng trong lòng đô thị như cầu Nhật Tân ở Hà Nội, cầu Trần Thị Lý ở Đà Nẵng, cầu Rào ở Hải Phòng… Đây là những tác phẩm kiến trúc tô điểm cho các đô thị nhằm thu hút khách du lịch.
Cầu Đà Rằng (TP Tuy Hòa) được xây dựng năm 1924, hoàn thành tháng 7/1927, là cây cầu dài nhất miền Nam lúc bấy giờ với chiều dài 1.105m. Ban đầu đường sắt và đường bộ đi chung, đến năm 1970 thì cầu đường bộ được tách ra khỏi đường sắt. Cầu Đà Rằng đi qua bom đạn, chiến tranh, là chứng tích của lịch sử trong thế kỷ XX. Người dân địa phương vẫn thường gọi là cầu 21 nhịp; những ai đi Bắc vào Nam bằng đường sắt đều có cảm giác khó quên khi qua cây cầu này.
Tại đô thị Tuy Hòa còn có cầu Hùng Vương khá đẹp, cong đều tựa như cánh tay nối đôi bờ thành phố, là công trình kỷ niệm 400 năm (1611-2011) thành lập tỉnh Phú Yên. Đặc biệt, gần đây cầu vượt đường sắt khu đô thị bờ nam sông Đà Rằng (TP Tuy Hòa) mới được xây dựng khá ấn tượng, trụ cầu chịu lực chính cách điệu ngọn hải đăng Mũi Điện, góp phần tạo dấu ấn cho đô thị Tuy Hòa hiện đại.
Đô thị có nhiều cầu
Đô thị Tuy Hòa nằm hai bên bờ sông Đà Rằng, trong lòng đô thị còn có sông Chùa, sông Bao Đài, rạch Bầu Hạ chảy qua nên có khá nhiều cầu, đây cũng là nét đặc trưng của đô thị trẻ bên bờ biển Đông.
Trong khu vực nội thị có các cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vạn Kiếp, cầu Sông Chùa, cầu Ông Chừ, cầu Nguyễn Huệ, cầu Lê Lợi… Nhìn chung những cây cầu tại Tuy Hòa có kết cấu đơn giản gồm móng cầu, dầm cầu, mặt cầu bằng bê tông cốt thép; riêng có cầu Đà Rằng cũ, cầu Sông Chùa cũ và cầu Minh Đức còn là dầm thép. Cầu thường mang tên dòng sông, tên đường, tên địa danh hay tên lịch sử. Một số tên cầu, tên cống chưa có hoặc có nhưng chưa đúng cần được chỉnh sửa như: Cầu Trần Hưng Đạo đổi là cầu Hải Dương (nằm trên đường Hải Dương); cầu Đà Rằng mới đổi là cầu Tây Phú (mang tên 2 huyện Tây Hòa và Phú Hòa)… tạo nét văn hóa cho đô thị.
Trong tương lai, khi đô thị Tuy Hòa phát triển còn có nhiều cây cầu khác như cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Chùa, cầu trên đại lộ Nguyễn Hữu Thọ bắc qua rạch Bầu Hạ, cầu trên đường Trần Phú bắc qua sông Bao Đài và cầu đường bộ cao tốc Bắc – Nam… Những cây cầu này khi thiết kế xây dựng phải quan tâm đến thẩm mỹ để tạo điểm nhấn cảnh quan cho đô thị Tuy Hòa. Hiện TP Tuy Hòa đang quyết tâm lên đô thị loại I vào năm 2025, địa phương còn nhiều việc phải làm; trong đó, những cây cầu rất cần được quan tâm làm đẹp.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG