Cúng thần rẫy, thần lúa (còn gọi là Way Amathea) là một nghi lễ không thể thiếu đối với đồng bào Chăm, nhằm tỏ lòng thành kính đến các đấng thần linh, cầu cho mùa rẫy, mùa lúa mới bội thu, dân làng no ấm, sung túc.
Già So Mai (trái) thực hiện lễ cúng thần rẫy, thần lúa. Ảnh: THIÊN LÝ |
Có mặt tại lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân năm 2023, chúng tôi được chứng kiến các nghệ nhân Chăm của xã miền núi Xuân Quang 1 thực hiện lễ cúng thần rẫy, thần lúa với những nghi thức truyền thống.
Cầu cho mùa màng tươi tốt
Theo quan niệm của người Chăm, ruộng rẫy, ruộng lúa đều có thần linh cai quản. Do vậy, sau khi gia chủ thu hoạch xong toàn bộ lúa, bắp, sắn… vào tháng 11 âm lịch hàng năm thì tổ chức cúng thần rẫy, thần lúa.
Già làng So Mai cho biết: Trong các lễ nghi nông nghiệp đều phải có sự tham gia của các vị chức sắc và thầy cúng. Theo đó, gia chủ sẽ mời người già, người có uy tín trong buôn làng đến cúng. Lễ vật không thể thiếu là3 con gà và 1 chóe rượu. Quy mô của lễ cúng phụ thuộc vào mùa lúa được thu hoạch trước đó. Tuy nhiên, các lễ vật đều được gia chủ tính toán và chuẩn bị từ trước.
Ngoài lễ vật, gia chủ còn chuẩn bị 3 cây nêu. Khi chuẩn bị xong, thầy cúng đọc lời khấn tạ ơn 3 vị thần: thần rẫy, thần đất đai và thần lúa đã giúp gia chủ có một mùa bội thu. Thầy cúng cũng cầu mong mùa rẫy, mùa lúa mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bắp lúa đầy chòi, đầy kho.
Sau phần lễ là đến phần hội. Mọi người cùng nhau nhảy múa, ca hát, uống rượu cần. Trong lúc này, dàn cồng chiêng do các nghệ nhân của buôn làng thay nhau hòa tấu gắn kết giữa con người với thiên nhiên, đại ngàn trong không khí vui vẻ, hòa đồng. Người lớn ngồi quây quần, tâm sự ôn lại chuyện xưa, mách cho nhau cách gieo trồng vào mùa tới. Người ít tuổi hơn thì học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, ăn uống vui vẻ cho đến khi bình rượu cần nhạt nước mới thôi. Tùy theo kinh tế từng gia đình mà cuộc vui này kéo dài hay kết thúc sớm.
Trong niềm hân hoan được mùa của đồng bào Chăm, các du khách cùng uống rượu cần, nhảy múa, hát ca và nắm chặt tay hòa chung không khí rộn ràng của ngày hội. Các chàng trai, cô gái Chăm trong trang phục truyền thống, tay trong tay nhịp nhàng, uyển chuyển với điệu múa xoang hòa cùng tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm rộn ràng, náo nức báo hiệu một vụ mùa mới bội thu.
Gìn giữ bản sắc
“Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến các nghệ nhân tái hiện lễ cúng thần rẫy, thần lúa trong không gian trống đôi, cồng ba, chiêng năm rộn rã. Tôi thấy rất thú vị và muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây”, chị Trần Mai Anh đến từ phường 9, TP Tuy Hòa, bày tỏ.
Còn chị La Mo Thị Uối chia sẻ: “Người Chăm chúng tôi rất vui khi lễ cúng này giúp du khách hiểu hơn về văn hóa đặc sắc của đồng bào mình, góp phần lan tỏa và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm tới cộng đồng”.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Xuân, lễ cúng thần rẫy, thần lúa là một trong những nghi thức văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm. Ngoài việc cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bắp, lúa, khoai, sắn… đầy nhà, lễ cúng thần rẫy, thần lúa còn là dịp để mỗi thành viên và cả cộng đồng cùng gắn kết, giao hòa với thế giới tâm linh trong cuộc sống thực tại, thể hiện sự gắn kết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên theo quan niệm vạn vật hữu linh. Mặt khác, cúng thần rẫy, thần lúa còn thể hiện ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, góp phần duy trì, phát triển giá trị không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Với ý nghĩa đặc sắc đó, đến hôm nay, dù đời sống hội nhập và phát triển nhưng lễ cúng này vẫn được gìn giữ, phát huy trong lớp lớp thế hệ con cháu đồng bào Chăm địa phương.
THIÊN LÝ