Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 11 ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, ngành KH-CN Phú Yên có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các nhiệm vụ KH-CN ngày càng bám sát thực tiễn, đi vào chiều sâu và có tính ứng dụng cao, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội địa phương.
Ngay sau khi ban hành Nghị quyết 11, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt nghị quyết này cho cán bộ, đảng viên, đưa nghị quyết đến với người dân, tổ chức và doanh nghiệp cùng thực hiện. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các chỉ tiêu chủ yếu, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị.
KH-CN đóng góp vào tăng trưởng kinh tế
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, giai đoạn 2021-2023, đóng góp của KH-CN và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt mức 37,8%. Công tác quản lý nhà nước về KH-CN từ cấp tỉnh đến cấp huyện được tăng cường. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống.
Qua triển khai Nghị quyết 11, đến nay, toàn tỉnh đã có 6 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt yêu cầu. Cụ thể, tỉ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 4-5 người/10.000 dân; xây dựng được 6 nhóm chuyên gia nghiên cứu KH-CN trên 6 lĩnh vực; tỉ lệ nhiệm vụ KH-CN đưa vào ứng dụng trong sản xuất đời sống đạt tỉ lệ 100%; xây dựng chương trình chuyển đổi số, kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.3 và ban hành kế hoạch thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH-CN năm sau cao hơn năm trước…
Bên cạnh đó, 4 chỉ tiêu có thể đạt và vượt vào năm 2025 và 1 chỉ tiêu cần xem xét điều chỉnh là tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp phù hợp với thực tiễn. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có hướng dẫn và chưa thống nhất phương pháp tính tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao của các cơ quan trung ương; chưa có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai 33 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp tỉnh và cơ sở; thực hiện mục tiêu của 6 chương trình ứng dụng KH-CN và ĐMST giai đoạn 2021-2025. Trong 2 năm 2021-2023, trên địa bàn tỉnh có 104 văn bản bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được cấp. Tỉnh triển khai các nhiệm vụ KH-CN hỗ trợ xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông Phú Yên, đề xuất các nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sầu riêng Sông Hinh, tôm hùm TX Sông Câu; hỗ trợ 10 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến…
“Các đề tài, dự án sau khi được công nhận kết quả đã chuyển giao cho cơ quan chủ trì, cơ quan đề xuất đặt hàng hoặc đơn vị phối hợp thực hiện để tổ chức ứng dụng vào thực tiễn, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương”, ông Dương Bình Phú cho biết.
Lãnh đạo Sở KH&CN và Viện Thổ nhưỡng nông hóa kiểm tra quá trình xây dựng dữ liệu số về đất sản xuất nông nghiệp tỉnh. Ảnh: VĂN TÀI |
Tiếp tục đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp
Với phương châm KH-CN đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, Sở KH&CN đã và đang tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; sở hữu trí tuệ; phát triển thị trường KH-CN; truy xuất nguồn gốc như áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý; công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế…
Sở KH&CN triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành, phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh. Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ…
Theo ông Dương Bình Phú, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, ngành KH-CN tỉnh đề ra những giải pháp trọng tâm. Cụ thể là chủ động đẩy mạnh hợp tác, thu hút, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH-CN và ĐMST. Phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương trong hoạt động xây dựng các chương trình, nhiệm vụ KH-CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng. Ứng dụng các mô hình, giải pháp ĐMST, công nghệ số và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phát triển kinh tế – xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ quản lý KH-CN; kết nối, hình thành cơ sở dữ liệu của tỉnh về KH-CN và ĐMST phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu tra cứu của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời rà soát, cụ thể hóa các quy định về hoạt động KH-CN theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
“Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương phải xác định rõ nhiệm vụ, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST vào mọi mặt của đời sống, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cơ quan, đơn vị, địa phương phải triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ đề nghị.
Theo Sở KH&CN, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 27 sản phẩm KH-CN từ các đề tài, nhiệm vụ KH-CN. Trong đó có 9 sản phẩm của Trung tâm KH&CN (Sở KH&CN), 9 sản phẩm OCOP đã đăng ký bảo hộ chứng nhận sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu cộng đồng; 6 sản phẩm KH-CN của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt. Trung tâm KH&CN Nông nghiệp – Sinh học La Hiêng, Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung, mỗi đơn vị làm ra 1 sản phẩm KH-CN. |
VĂN TÀI