Khởi nghiệp luôn có những thách thức. Với phụ nữ, việc này càng khó khăn, bởi ngoài công việc còn thiên chức với gia đình. Dù vậy, khi được phát huy tiềm năng, phụ nữ có thể vượt qua trở ngại, tự tin nắm lấy cơ hội kinh doanh phát triển kinh tế.
Không cần bắt đầu bằng những điều lớn lao
ThS Nguyễn Đông Triều, giảng viên bộ môn Truyền thông và Thương hiệu, Trường đại học Tài chính – Marketing (TP Hồ Chí Minh) khẳng định rằng, khởi nghiệp không cần phải từ những vấn đề lớn lao, mà hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé gắn với đời sống.
Học ngành Du lịch nhưng về quê khó tìm việc đúng chuyên ngành, chị Lê Thị Nguyên Thảo (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) dùng tiền tích lũy và vay qua kênh phụ nữ để mở một cửa hàng hoa nhỏ. Chị Thảo nhớ lại: “Ban đầu tôi thuê một cửa hàng có mặt tiền trên đường lớn với diện tích rất nhỏ và giá thuê rẻ. Việc buôn bán những ngày đầu khá khó khăn vì nhu cầu của người dân nơi đây không cao. Dù vậy, tôi vẫn kiên trì và may mắn là chỉ sau một thời gian ngắn, các cơ quan hành chính và nhiều đơn vị khác đều dời về trung tâm TX Đông Hòa nên việc buôn bán thuận lợi hơn”. Từ cửa hàng hoa nhỏ, chị Thảo tiếp tục mở rộng kinh doanh các mặt hàng khác như trái cây nhập khẩu, tranh thêu, thực phẩm chức năng… Hiện tại, công việc kinh doanh mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định và có khoản tích lũy kha khá.
Nhiều năm bán bánh bèo, bánh hỏi ở chợ, nhưng thu nhập bấp bênh, hơn 2 năm trước, ở tuổi 60, bà Trần Thị Thiện (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng mở cơ sở sản xuất bánh tráng bằng máy. Cùng sự hỗ trợ cho vay vốn, hướng dẫn khởi nghiệp của hội LHPN địa phương, sau 2 năm công việc làm ăn bắt đầu ổn định, cho lợi nhuận. Lò bánh tráng của bà Thiện hiện giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm bánh tráng của gia đình bà Thiện được bán đi nhiều nơi trên cả nước, trong đó nhiều nhất là tỉnh Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh.
Là một nông dân khao khát khởi nghiệp, năm 2019, chị Lê Thị Kim Gấm (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) đã phát triển việc nuôi trồng nhỏ lẻ của gia đình thành mô hình nông nghiệp tổng hợp. Trên diện tích 2ha, chị Gấm nuôi bò, gà, trùn quế và ủ phân các loại vật nuôi này để bón cho cây ăn trái. Hiện mô hình nông nghiệp tổng hợp kết hợp trồng trọt, chăn nuôi đem đến nguồn thu gần 200 triệu đồng mỗi năm. Chị Gấm mong muốn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu gà sạch để khẳng định uy tín, đưa sản phẩm vươn xa.
Hội đồng hành cùng phụ nữ
Hỗ trợ cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã đồng hành, giúp hội viên hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.
Hàng năm, thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, Hội LHPN tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cho cán bộ, hội viên phụ nữ và thành viên tổ hợp tác, tổ liên kết, tổ phụ nữ làm kinh tế. Đặc biệt, trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức tập huấn phụ nữ khởi nghiệp và phát động chương trình Phụ nữ tự tin làm kinh tế. Tại hội nghị, ThS Nguyễn Đông Triều hướng dẫn cách tìm ý tưởng kinh doanh; tìm hiểu những yếu tố cần có cho việc kinh doanh; cung cấp kiến thức, kỹ năng thúc đẩy phụ nữ tham gia mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả. Chương trình tập huấn giúp chị em hình dung một cách cụ thể quá trình khởi nghiệp cũng như những yếu tố cần thiết để kinh doanh thành công trong thời đại công nghệ số. Những kiến thức thực tiễn, mới mẻ, bổ ích đã tiếp thêm động lực giúp nhiều chị em tự tin khởi sự kinh doanh.
Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 tại các huyện Tây Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Các lớp tập huấn đã thông tin, chia sẻ những kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và một số hoạt động, mô hình kinh tế hiệu quả; hướng dẫn chị em đăng ký nhãn hiệu; xây dựng, đề xuất ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị tổ chức các hoạt động hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, hội LHPN các cấp còn làm tốt công tác ủy thác tín dụng chính sách, đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với phụ nữ; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Từ sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực, các cấp hội LHPN tỉnh đã phát huy vai trò là chỗ dựa tin cậy, luôn đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế. Những hoạt động đa dạng, phong phú của các cấp hội LHPN đã và đang có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình hội viên.
Để phong trào phụ nữ khởi nghiệp ngày càng lan tỏa, thời gian tới, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên; tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, giúp hội viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
THÁI HÀ