Đánh bắt cá bằng xung điện là cách sử dụng xung điện gây giật và sốc dẫn đến cá bị tê liệt hoặc chết hàng loạt để có thể dễ dàng bắt chúng. Đây là hành động tận diệt, hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sản.
Dùng xung điện để chích cá không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người khác. Ảnh: VÕ VĂN VĂN |
Tận diệt nguồn lợi thủy sản
Năm nào đến hè, tôi cũng về quê ở huyện Phú Hòa thăm bà con, họ hàng. Đến thăm người bạn thân thời còn học sinh, bạn thường đãi những món ngon là đặc sản của quê nhà như lươn xào sả ớt, lươn rút xương nấu cháo, lươn đùm, cá lóc um chuối… Ngồi trong không gian đồng quê trong lành, ăn những món ngày trước vẫn thường ăn là điều mà tôi luôn mong ước. Những món ăn tuy dân dã nhưng mang đậm phong vị đồng quê.
Thế nhưng cứ mỗi năm qua đi, những món ăn dân dã này ngày một ít dần và lần này, trong bữa tiệc mừng ngày gặp mặt, trên bàn ăn chỉ có những món được chế biến từ thịt heo, thịt gà, thịt vịt. Dò hỏi thì bạn cho biết: Ruộng mới sạ chưa có lươn, cũng không có cá, nếu có cũng không đủ nấu vì chúng bị đánh bắt bằng xung điện.
Tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện xảy ra khá phổ biến trên các cánh đồng và kênh mương, ao hồ. Điểm khác biệt giữa đánh cá bằng lưới và đánh cá bằng xung điện ở chỗ, nếu đánh lưới, người ta chỉ bắt cá lớn, những con cá nhỏ sẽ thoát qua mắt lưới và tiếp tục sinh trưởng, sinh sản. Còn đánh bắt cá bằng xung điện thì cá lớn, cá nhỏ hay lươn, ếch… cũng không thoát.
Hoạt động nguy hại này không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người khác. Thực tế, nhiều người dùng xung điện để chích cá, do bất cẩn, chủ quan đã bị điện giật tử vong.
Bạn tôi kể, hơn 10 năm trước, anh N.V.H (xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) trong lúc dùng xung điện (bình ắc quy) đi bắt cá vào ban đêm đã bị điện giật chết.
Có thể bị phạt tù
Đánh bắt cá bằng xung điện và sử dụng chất độc, chất nổ là hoạt động bị luật pháp nghiêm cấm. Hành vi này cũng được chế tài bởi Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, người đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 3-5 triệu đồng và tịch thu công cụ xung điện, kích điện. Đối với tổ chức, khi thực hiện hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt từ 6-10 triệu đồng.
Còn đối với những trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng, bị xem là phá hoại nguồn lợi thủy sản sẽ bị phạt từ 50-300 triệu đồng; những trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ 6 tháng đến 10 năm tù, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Để những bữa cơm gia đình còn mang hương vị đồng quê, để môi trường thân thiện và an toàn cho chính mình và cho người khác, những ai còn sử dụng xung điện để đánh bắt cá hãy dừng lại khi chưa quá muộn. Bên cạnh đó, cùng với khai thác hợp pháp cũng phải đi đôi với tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường việc thả cá giống bổ sung vào các sông, hồ…
Đánh bắt cá bằng xung điện không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người khác. |
VÕ VĂN VĂN
(Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh)