Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, chiều 9/6, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tổ đại biểu số 9, bao gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bến Tre, do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên làm tổ trưởng, điều hành phiên thảo luận.
Tham gia thảo luận có các đồng chí: Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội và các ĐBQH của Tổ đại biểu số 9.
Bắt đầu buổi thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương phát biểu gợi ý một số nội dung trọng tâm để các ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận.
Đồng chí Phạm Đại Dương điều hành phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN |
Tham gia thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất, đồng tình với sự cần thiết ban hành luật. Đại biểu Lê Quang Đạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) nhấn mạnh công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước giao cho quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, nòng cốt là lực lượng quân đội. Vì vậy, sự ra đời của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là bước tiến quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu quả, hiệu lực.
Đại biểu Lê Quang Đạo tham gia thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN |
Đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý về nội dung Chương II của dự thảo, trong đó có 7 điều quy định về: Nội dung quản lý; Lập hồ sơ quản lý; Sử dụng, bảo quản, bảo trì; Chuyển đổi mục đích sử dụng; Phá dỡ, di dời; Thống kê, kiểm kê; Tổ chức quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự. Tuy nhiên, tại mục 5 Chương III của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, thống nhất.
Tại Điều 24 quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu cho rằng quy định này liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và là nội dung mới, quan trọng của dự án luật nhưng một số quy định của dự thảo luật chưa đảm bảo rõ ràng, cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phân tích, làm rõ các chính sách này và cần đánh giá kỹ tác động, bảo đảm phù hợp, khả thi, xác định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ.
Đại biểu Dương Bình Phú (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) đề nghị bổ sung thêm cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, công tác, hỗ trợ cho hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định về chế độ, chính sách cho những đối tượng này tại dự thảo luật.
Về các quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (tại Điều 25), đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá tác động đối với chính sách về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, đại biểu góp ý về các điều khoản cụ thể của dự thảo luật.
QUỐC LUÂN
Source link
Bình luận (0)