Gia đình là tế bào của xã hội, có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của xã hội. Nhân kỷ niệm 22 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2023), phóng viên Báo Phú Yên trao đổi với Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thị Hồng Thái xung quanh công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái |
* Xin bà cho biết những kết quả nổi bật trong công tác gia đình và PCBLGĐ ở Phú Yên thời gian qua?
– Công tác gia đình và PCBLGĐ ở Phú Yên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Cụ thể, hằng năm, toàn tỉnh tăng 10% hộ gia đình, thành viên gia đình được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình; giảm trung bình từ 10-15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định. 100% hộ gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình có công, nạn nhân chất độc da cam, người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội được quan tâm chăm sóc đúng quy định.
Toàn tỉnh hiện có 304 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 37 nhóm PCBLGĐ, 425 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 174 đường dây nóng ở cộng đồng. Qua đó góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam và xây dựng gia đình theo tiêu chí “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”; đồng thời góp phần gia tăng số lượng và chất lượng các danh hiệu văn hóa. Năm 2022, Phú Yên có 90% gia đình văn hóa; 88,5% thôn, buôn, khu phố văn hóa; 68,5% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 90,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
* Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ năm 2023, ngành VH-TT&DL có những hoạt động gì, thưa bà?
– Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức các hoạt động thiết thực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần thi đua hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Về phía Sở VH-TT&DL, đơn vị sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan; biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh gắn với công tác gia đình và PCBLGĐ; tăng thời lượng, chuyên mục tuyên truyền về PCBLGĐ trên các phương tiện truyền thông. Sở cũng tổ chức các hội thi: Karaoke Gia đình văn hóa tỉnh Phú Yên lần thứ II- năm 2023, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, “Gia đình đọc sách” tỉnh Phú Yên năm 2023. Ngoài ra, Sở VH-TT&DL còn trao 20 phần quà (20 triệu đồng) cho các hộ khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc; phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh thực hiện chương trình Gia đình và Cuộc sống số đặc biệt nhân ngày Gia đình Việt Nam…
Qua ghi nhận của Sở VH-TT&DL, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ năm 2023 với các hình thức và nội dung phong phú; tổ chức treo băng rôn, đăng tải tin bài, các văn bản về công tác gia đình trên trang thông tin điện tử địa phương.
Một tiết mục trong hội thi Karaoke Gia đình văn hóa tỉnh Phú Yên năm 2022. Ảnh: THIÊN LÝ |
* Chủ đề “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng” của ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
– Trong tâm thức của mỗi người, gia đình chính là trường học đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người; là nơi gìn giữ, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sự thương yêu, đùm bọc, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù lao động, sáng tạo… là những giá trị văn hóa được kết tinh và truyền tải qua lời ru của bà, của mẹ, lời dạy của ông, cha theo suốt cuộc đời của mỗi người. Đó cũng là hành trang giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách để hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, trở thành những công dân tốt của xã hội.
Hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình, mà còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hòa và toàn diện. Do đó, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng các quan hệ gia đình lành mạnh bao giờ cũng là cơ sở đầu tiên cho sự phát triển của mỗi quốc gia.
Với ý nghĩa đó, ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 có chủ đề “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng” với các thông điệp: Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc; Đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững; Hệ giá trị gia đình là hạt nhân của hệ giá trị quốc gia… Qua đó tiếp tục khẳng định, gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xã hội phát triển, quốc gia thịnh vượng.
Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xã hội phát triển, quốc gia thịnh vượng. Trong ảnh: Gia đình nhỏ của chị Phạm Thị Tuyết Sương ở TX Đông Hòa. Ảnh: CTV |
* Theo bà, để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Phú Yên cần phải làm gì?
– Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vị trí, vai trò của gia đình. Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”, “…thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh; đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”; đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Vì vậy, những năm qua, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của Nhân dân nên đạt được nhiều kết quả như trên đã đề cập.
Tuy nhiên, hiện công tác này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Vì vậy, để công tác gia đình có những bước tiến mới, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các gia đình đối với sự phát triển của xã hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương gia đình tiêu biểu; phê phán những hành vi lệch chuẩn, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình; kiện toàn tổ chức, cán bộ thực hiện công tác gia đình; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đầu tư cho gia đình cùng các vấn đề khác có liên quan. Từ đó giúp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
* Xin cảm ơn bà!
Trong những năm qua, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của Nhân dân.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thị Hồng Thái |
THIÊN LÝ (thực hiện)