Tình trạng trẻ em, nhất là trẻ em gái bị xâm hại tình dục (XHTD) hiện nay có xu hướng diễn biến phức tạp, để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận xã hội. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, gia đình, xã hội phải có sự vào cuộc để đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Hội LHPN tỉnh và Sở Tư pháp truyền thông phòng, chống XHTD trẻ em cho phụ nữ xã Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa). Ảnh: NGỌC QUỲNH |
Con số báo động
Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm trung bình cả nước có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Các vụ việc xâm hại, bạo lực, đặc biệt XHTD trẻ em có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Nhiều vụ XHTD trẻ em xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân, gây bức xúc trong Nhân dân. Nếu trước đây trẻ bị xâm hại thường ở độ tuổi từ 13-18, thì nay xảy ra nhiều vụ việc trẻ ở lứa tuổi 5-13. Tại Phú Yên, trong 2 năm (2020-2022), xảy ra 34 vụ, trực tiếp xâm hại 39 em.
Thủ đoạn hoạt động của tội phạm XHTD trẻ em đó là đối tượng lợi dụng sự quen biết từ trước với nạn nhân, tiếp cận lôi kéo, dụ dỗ khi cha mẹ, người thân của trẻ vắng nhà để thực hiện hành vi XHTD. Sau đó, các đối tượng này dùng vũ lực ép các em không được nói với gia đình. Cách đây hơn 2 năm, ở Phú Yên từng xảy ra vụ án gây rúng động dư luận. Bé Đ.T.K.H 13 tuổi ở xã An Ninh Đông bị P.K.P ở xã An Thạch (huyện Tuy An) bóp cổ, rồi thực hiện hành vi hiếp dâm. Theo nội dung vụ án, vào tối 17/6/2020, P.K.P cùng nhóm bạn, trong đó có bé H đi chơi ở một số nơi trong xã. Khoảng 23 giờ cùng ngày, P chở bé H về nhà. Trên đường đi, P nảy sinh ý định giao cấu nên chở em vào khu vực rừng phi lao gần cầu An Hải, xã An Ninh Đông. Tại đây, bé H sợ hãi chống cự, bấm điện thoại liên lạc với người thân kêu cứu thì bị P.K.P đuổi theo đánh và bóp cổ cho đến khi bé H nằm bất động. Sau đó, P thực hiện hành vi hiếp dâm rồi chôn lấp nạn nhân để che giấu tội ác của mình. Đây là vụ án khiến dư luận vô cùng phẫn nộ vì hành vi tàn độc của kẻ thủ ác. Kẻ gây án phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật với mức án tử hình, nhưng nỗi đau của người thân bé H không dễ xóa nhòa theo năm tháng…
Luật pháp quy định hình phạt rất nặng cho hành vi XHTD trẻ em nhưng con số trẻ em bị XHTD không vì vậy mà vơi bớt. Đặc biệt hiện nay, các đối tượng thực hiện hành vi XHTD có xu hướng trẻ hóa, một số đối tượng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, chưa học hết THCS, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, không có việc làm, thường xuyên ăn chơi, lêu lổng. Các đối tượng này thường lợi dụng mạng xã hội zalo, facebook… làm quen với các bị hại để XHTD. Bản thân các bị hại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để tự đề phòng. Ngoài ra, các đối tượng này lợi dụng sự mất cảnh giác, đề phòng, buôn lỏng quản lý của cha mẹ, lợi dụng sự quen biết với gia đình, dụ dỗ các nạn nhân khi ở nhà một mình để thực hiện hành vi XHTD.
Chung tay bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại. Ảnh minh họa: Internet |
Khó khăn trong công tác điều tra
Để pháp luật xét xử nghiêm khắc các tội phạm XHTD trẻ em thì việc cung cấp bằng chứng cho cơ quan tiến hành tố tụng là rất quan trọng. Nhiều trường hợp, trẻ bị xâm hại xảy ra trong thời gian dài gia đình mới phát hiện trình báo cơ quan công an. Cũng có trường hợp, nhiều gia đình nạn nhân không trình báo vì sợ dư luận xã hội…
Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, chia sẻ: Thực tế cho thấy, với các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là XHTD, người trong cuộc và gia đình càng sớm gửi đơn thư tố cáo thì cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng thu thập chứng cứ, giám định ADN, những dấu vết để lại trên cơ thể và xác định hậu quả đối với nạn nhân để có căn cứ buộc tội đối tượng có hành vi XHTD. Tuy nhiên, nếu nạn nhân không cung cấp được chứng cứ hoặc chứng cứ không rõ ràng thì rất khó cho cơ quan điều tra. Do nhận thức của gia đình bị hại hạn chế nên ngay khi sự việc xảy ra không kịp thời trình báo, cơ quan giám định không thu được các dấu vết, tế bào… và không đủ cơ sở để giám định màng trinh, tinh dịch, tế bào… Trong khi kết luận giám định là chứng cứ hết sức quan trọng để xác định hành vi phạm tội, có hay không hành vi xâm hại.
Vì vậy, ngay khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà cần tố cáo ngay với cơ quan công an, tạo điều kiện để cơ quan chức năng thực hiện giám định, thu thập chứng cứ; cho trẻ đi thăm khám, giám định; động viên trẻ khai ra hành vi của người phạm tội để cơ quan chức năng có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, nhằm ổn định trật tự và dư luận xã hội…
Chung tay vì sự an toàn của trẻ
“Từ thực tiễn công tác phòng, chống XHTD trẻ em cho thấy, phần lớn đối tượng XHTD trẻ em là những người có mối quan hệ quen biết như hàng xóm, người trông trẻ, người thân; trường hợp trẻ bị lạm dụng tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 20%. Vì vậy cần phải tập trung vào công tác tuyên truyền, phòng ngừa cảnh tỉnh để các bậc phụ huynh chú ý cảnh giác, nâng cao nhận thức phòng ngừa cho con em mình”, bà Phạm Thị Thu Huyên, Trưởng ban Tuyên giáo – Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh bày tỏ.
Bà Huyên nói thêm: Để bảo vệ con trẻ, cha mẹ cần phải trang bị kiến thức phòng tránh XHTD; cách thức nhận biết nguy cơ bị xâm hại; tác hại của việc trẻ bị XHTD; các kỹ năng giúp con trẻ bảo vệ bản thân, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và sử dụng internet an toàn, lành mạnh. Nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Tư pháp cũng như các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ để phát huy hơn nữa vai trò của gia đình, đặc biệt là vai trò của người mẹ trong phòng, chống XHTD trẻ em. Điều quan trọng là cha mẹ phải dành thời gian quan tâm, trò chuyện, lắng nghe, nắm bắt những thay đổi tâm sinh lý của con trẻ, qua đó nhận thấy được những điều bất thường của con mình.
Nhận thức về tầm quan trọng của việc tuyên truyền phòng chống XHTD cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường học ở các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa, nhiều năm qua Hội Phụ nữ Công an tỉnh Phú Yên tập trung tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng giúp các em phân biệt được đâu là những giới hạn trong các mối quan hệ để phòng tránh XHTD theo “Quy tắc 6 cánh hoa”, “Quy tắc 5 ngón tay” từ đó giúp các em nhận biết phương thức, thủ đoạn phạm tội, hành vi tội phạm XHTD; các biện pháp phòng ngừa, cách xử trí khi bị xâm hại…
Trẻ em là đối tượng ưu tiên hàng đầu cần được bảo vệ. Do đó, các hành vi XHTD trẻ em đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Tùy theo các hành vi XHTD trẻ em, với mỗi tội danh có các khung hình phạt khác nhau, mức thấp nhất là phạt tù 6 tháng, mức cao nhất là tử hình.
Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên |
NGỌC QUỲNH