* Triển lãm Y tế Thế giới – Sân chơi của công nghệ siêu việt tích hợp AI
Trong bối cảnh ChatGPT – chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của OpenAI tạo ra “cơn sốt” trên phạm vi toàn cầu, hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc mới đây công bố các dự án tương tự nhằm cạnh tranh với đối thủ.
Ngày 10/4, công ty khởi nghiệp SenseTime ra mắt một chatbot sử dụng AI mang tên “SenseChat”. Theo Giám đốc điều hành và đồng sáng lập SenseTime, ông Xu Li, SenseChat được phát triển tương tự như mô hình AI lớn SenseNova của công ty. SenseChat có thể thực hiện những nhiệm vụ như soạn email và viết truyện thiếu nhi khi có lời nhắc hay gợi ý cho công cụ này.
Hôm 7/4, công ty Alibaba Cloud cũng công bố AI mang tên Tongyi Qianwen nhằm cạnh tranh với ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ).
Theo SCMP, Tongyi Qianwen được đào tạo bằng mô hình học máy tương tự ChatGPT. Công cụ này có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, tạo bài viết chi tiết, thậm chí lập trình.
Hiện siêu AI của Alibaba đang ở dạng thử nghiệm dành cho doanh nghiệp, dự kiến tích hợp vào nhiều dịch vụ từ thương mại điện tử đến thành phố thông minh.
Chatbot Tongyi Qianwen do Viện Damo, nhóm nghiên cứu khoa học nội bộ của Alibaba, phát triển. Tháng 2 vừa qua, “đế chế” thương mại Alibaba của Trung Quốc xác nhận viện nghiên cứu của họ đang xây dựng một chatbot AI.
Trước đó, Baidu cũng đã phát hành chatbot Ernie Bot để cạnh tranh với ChatGPT. Tuy nhiên, siêu AI này không hoạt động như kỳ vọng, khiến cổ phiếu của công ty sụt giảm đáng kể.
* Một cuộc triển lãm trưng bày những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả vai trò nổi bật hơn bao giờ hết của trí tuệ nhân tạo (AI), vừa được khai mạc tại TP Vũ Hán của Trung Quốc.
Tham dự triển lãm có hơn 1.000 công ty Trung Quốc và các doanh nghiệp từ nước ngoài, giới thiệu các công nghệ và sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực như thiết bị y tế, thuốc sinh hóa, y học cổ truyền và chăm sóc người cao tuổi.
Sự kiện kéo dài 4 ngày này cũng giới thiệu các ứng dụng sâu rộng của AI trong dịch vụ y tế của Trung Quốc, từ sàng lọc ung thư đến khám răng.
Trong số các sáng chế được giới thiệu tại triển lãm, ấn tượng nhất có lẽ là một thiết bị trông giống như một chiếc xe buýt, được tích hợp công nghệ AI và có khả năng sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Bà Vương Lân, Giám đốc tiếp thị thương hiệu của Landing Med có trụ sở tại Vũ Hán, đơn vị phát triển phòng thí nghiệm di động trên, cho biết: “AI có thể tự động xác định xem mẫu tế bào có phải là ung thư hay không, qua đó giúp giảm tải công việc của bác sĩ, đồng thời nâng cao hiệu quả chẩn đoán”.
Một máy ảnh đáy mắt tích hợp công nghệ AI di động do Airdoc – một công ty chăm sóc sức khỏe mắt có trụ sở tại Bắc Kinh – phát triển có thể hoàn thành quá trình quét (scan) trong vòng 15 giây, sau đó đưa ra kết quả đánh giá về tình trạng mắt của bệnh nhân trong vòng 2 phút.
Những kết quả kiểm tra sức khỏe này có thể chỉ ra nguy cơ phát triển khối u, thiếu máu, bệnh tim mạch và mạch máu não, cùng các vấn đề sức khỏe khác. Theo công ty Airdoc, máy ảnh đáy mắt này có thể xác định 50 bệnh dựa trên phân tích hơn 30 triệu hồ sơ khám mắt. Công cụ này cũng có thể cung cấp các kế hoạch phòng ngừa và điều trị bệnh chất lượng cao.
Đại diện công ty Airdoc cũng cho biết AI đã giúp thúc đẩy việc sử dụng thiết bị y tế di động ở các vùng sâu vùng xa, nơi nguồn lực y tế tương đối khan hiếm, và nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe của đôi mắt.
Trong khi đó, giới chức công ty công nghệ thông tin Deep Care có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết ứng dụng rộng rãi của công nghệ AI trong ngành y tế của Trung Quốc – ở các lĩnh vực như chẩn đoán hình ảnh, hồ sơ y tế kỹ thuật số, nghiên cứu và phát triển thuốc và giám sát y tế, đã giúp nâng cao đáng kể hiệu quả công việc của bác sĩ.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết, như rào cản đối với việc chia sẻ dữ liệu y tế và bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)