Tháng 5 hằng năm, từ Biển Hồ xa xôi, từng đàn cá linh non bắt đầu cuộc du thủy về hạ lưu. Cuộc du thủy đó là nguyên cớ cho chuyến phiêu lưu xuôi theo dòng chảy sông Mê Kông của chú cá linh Ống – nhân vật chính của câu chuyện đồng thoại mang tên Cá linh đi học của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng vừa mới được xuất bản.
“Lớn lên từng ngày là thứ bí mật không ngừng nở ra…”
Chuyến đi của chú cá linh Ống bắt đầu từ quê hương Biển Hồ (Campuchia) về hạ lưu. Đến ngày mùng 10/10, bầy cá linh ấy lại theo đàn giã từ đồng ruộng hạ lưu, ra sông để trở về Biển Hồ. Hành trình của cá linh Ống nghe qua tưởng chừng thật đơn giản, nhưng thực tế, để có thể tốt nghiệp trường học Cửu Long, linh Ống đã trải qua muôn vàn thử thách, có khi nằm trên lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết. Trên suốt hành trình, linh Ống còn phải đối mặt với bọn giang hồ Nóc Mít hung tợn, phải vượt qua bài “thi học kỳ” khắc nghiệt ở sông Vàm Nao, phải tìm cách thoát thân khỏi bể cá của con người nuôi chơi, và nhất là phải tránh được sự đánh bắt của con người. Tất cả đều là những thử thách mà cái giá phải trả luôn là sinh mạng của linh Ống.
Song dõi theo linh Ống qua từng chặng đường, người đọc sẽ nhận ra rằng dường như những thử thách không làm cho chú cá nhỏ bé ấy trở nên yếu hèn mà còn giúp chú mạnh mẽ hơn từng ngày. Lần đầu đối diện với cái chết, mất đi người bạn cá Heo thân thương, linh Ống đã đau đớn biết bao nhiêu. Chú không thấy cuộc ngao du vui như tưởng tượng, chú tìm cách bơi ngược dòng nước về với ba mẹ. Bơi không được thì “ôm mặt”, “khóc hu hu, khóc hoài khóc mãi đến khi thiếp đi hồi nào không hay, mặc cho con nước đẩy đưa vô định”. Nhưng đến cuối chặng đường, khi vẫn phải đối mặt với hiểm nguy của lưới bủa do con người giăng ra, trong lòng linh Ống lại tràn ngập bao điều hứa hẹn, “có cả hứa hẹn về chuyến đi nữa vào năm sau của họ cá linh, và có khi có cả tôi, biết đâu à…”.
Gian khó đã không làm chú cá linh non chùn bước, mà chính là cơ hội cho chú rèn giũa, tôi luyện lòng can đảm, sự dũng cảm, nghị lực, ý chí quyết tâm để trở thành một chú cá linh trưởng thành đầy bản lĩnh và thêm nhiều khát vọng, ước mơ hơn. Đến những chặng cuối cùng, cá linh non đã trở thành một chú cá phổng phao về ngoại hình, trưởng thành trong tính cách tự lúc nào không hay, như chính cảm nhận của chú về sự lớn lên của mình rằng: “lớn lên từng ngày là thứ bí mật không ngừng nở ra…”.
“Lòng người như thế nào hở mẹ?”
Một trong những nét khu biệt của đồng thoại Lê Quang Trạng được xác lập từ Thủ lĩnh băng vịt đồng đến Cá linh đi học chính là khuynh hướng sinh thái học tinh thần trong cả hai tác phẩm. Cách tiếp cận vấn đề sinh thái của tác giả từ góc nhìn của loài vật – những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động của con người – là một lựa chọn tối ưu, vì khi đó, tiếng nói của loài vật được cất lên, chia sẻ, đối thoại, và cả chất vấn cách con người đã đối xử với môi sinh. Thế nên, hành trình đi học của cá linh Ống không chỉ là hành trình khôn lớn, mà là hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mà chú đã đặt ra đầy ngây thơ khi chuẩn bị bước vào chuyến đi sống còn, mà sự sống còn ấy không phải do sự khỏe giỏi, mà do sự may rủi của lòng người. Đó là câu hỏi: “Lòng người như thế nào hở mẹ?”.
Trên chặng đường rong ruổi theo dòng nước, trải qua bao tai họa, chứng kiến bao cảnh ngộ buồn thảm mà căn nguyên chủ yếu là do con người, cá linh Ống cảm thấy khó hiểu và không giấu được sự phẫn nộ. Tại sao con người lại đánh bắt bừa bãi như muốn tận diệt các loài sinh vật nhỏ bé như thế? Tại sao con người lại vô tâm thải ra môi trường những rác thải nguy hiểm như thế? Và bao giờ, loài vật mới có cuộc sống bình an, hòa hợp trong sự cộng sinh với con người? Những câu hỏi ấy sẽ còn theo cá linh Ống, sẽ còn theo hậu duệ của chú, và cũng sẽ không ngừng vang lên chất vấn bất kỳ ai theo dõi hành trình đi học của chú cá linh non này.
Với Cá linh đi học, Lê Quang Trạng một lần nữa tiếp tục khẳng định được tài năng của mình trong việc viết cho các em nhỏ. Vẫn là những trang viết mộc mạc, bình dị, sáng trong nhưng duyên dáng, giàu cảm xúc và trải nghiệm, chứa đựng nhiều tri thức lý thú, chuyển tải nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc, đậm sắc màu Nam Bộ, tác phẩm đã mời gọi và neo giữ người đọc cùng dõi theo hành trình của chú cá nhỏ bé với tất cả yêu thương và trân quý. Cá linh đi học, thật sự đã vượt qua “kỳ thi” mang tên “kỳ vọng” của độc giả – nhất là những độc giả đã luôn trông đợi từng tác phẩm của tác giả trẻ người An Giang này.
BÍCH DUYÊN