Phú Yên là vùng đất có nhiều thành phần dân tộc, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa riêng hình thành nên giá trị và bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em làm cho văn hóa Phú Yên trở nên đa dạng, phong phú với 30 dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào: Chăm, Êđê, Ba Na, Hrê, Raglai, sống tập trung ở 3 huyện miền núi: Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên được tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình, địa phương mình; góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất, con người Phú Yên; tăng cường tình đoàn kết các dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và quảng bá du lịch địa phương.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI – năm 2022 diễn ra từ ngày 25-28/8/2022 với các hoạt động như: trình diễn nghệ thuật dân gian kết hợp với giới thiệu trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; thi thiết kế, trưng bày, thuyết minh về trại; thi các môn thể thao dân gian như: đẩy gậy, kéo co, chạy cà kheo; trình diễn trích đoạn lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền, địa phương; trình diễn nghề thủ công truyền thống; giới thiệu văn hóa ẩm thực gắn với phong tục tập quán mỗi dân tộc, địa phương. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quy mô lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là hình ảnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tại lễ khai mạc, UBND tỉnh Phú Yên đã công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chứng nhận nghề làm nước mắm và nghề làm bánh tráng tỉnh Phú Yên đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là hai nghề truyền thống gắn bó bao đời nay với người dân địa phương.
Bởi, từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, Lương Văn Chánh đưa lưu dân người Việt đến khẩn hoang lập nghiệp trên vùng đất Phú Yên. Khi đến vùng đất này, dựa vào đường bờ biển dài và vùng đồng bằng rộng lớn, cư dân người Việt đã cùng các dân tộc bản địa đem công sức, kinh nghiệm không ngừng khai khẩn, mở rộng đồng ruộng, phát triển các ngành nghề phù hợp với điều kiện sống lúc bấy giờ.
Nghề làm nước mắm và nghề làm bánh tráng ở Phú Yên là hai di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống có lịch sử hình thành từ đó.
Nghề làm nước mắm Phú Yên từ bao đời nay gắn liền với ngư dân các làng biển. Sản phẩm nước mắm Phú Yên được sản xuất theo phương pháp truyền thống: gài, nén, lọc, nhỉ bằng thủ công, lấy mắm tinh chất từ cá và muối, hương vị thơm ngon đặc trưng, có hàm lượng đạm cao, làm nên danh tiếng thương hiệu nước mắm Phú Yên. Nước mắm Phú Yên không chỉ là sản phẩm hiện hữu trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình mà đã trở thành đặc sản địa phương để làm quà gửi tặng người thân, bạn bè bốn phương vào những dịp lễ, Tết.
Nghề làm bánh tráng Phú Yên đã đi vào đời sống văn hóa của người dân Phú Yên, phản ánh sự sáng tạo của con người trong văn hóa ẩm thực, từ sự tỉ mỉ trong việc sử dụng nguyên liệu đến phương pháp thực hành thuần thục của nghệ nhân, tạo cho bánh tráng Phú Yên trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung. Bánh tráng Phú Yên được coi như một món quà đặc sản dân dã, là niềm tự hào, là một phần văn hóa không thể thiếu với mỗi người con đất Phú.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm nước mắm và nghề làm bánh tráng ở Phú Yên vẫn giữ được những giá trị truyền thống. Sản phẩm bánh tráng và nước mắm đã trở thành món ăn và gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Phú Yên, tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Phú Yên.