Trong và sau cơn bão số 3, rất nhiều rác thải, chất thải, vi sinh vật… theo dòng nước tràn về nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh tại tỉnh Phú Thọ.
Sau khi cơn bão số 3 suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Nước sông dâng cao trên các mức báo động 2, báo động 3. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị ngập lụt, chia cắt như xã Hiền Lương, Đan Thượng, Tứ Hiệp (huyện Hạ Hòa); một số địa phương chịu ngập úng cao như huyện Cẩm Khê, Đoan Hùng, Thanh Sơn,…
Mưa bão gây ngập úng trên diện rộng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus, trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Ở những nơi mưa lũ đi qua dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cho biết để đảm bảo công tác khắc phục, vệ sinh môi trường sau bão, ngày 10/9/2024, Sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.200kg hóa chất Cloramin B và 200.000 viên Aquatab 67mg để hỗ trợ các địa phương.
Cùng với đó, giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối cấp phát 990kh Pearl Chlorin 70% từ Công ty cổ phần Đông Á và 96.000 viên Aquatabs 67mg, 50 túi đựng nước từ Tổ chức Y tế Thế giới đến Trung tâm y tế các huyện, thị, thành để triển khai các hoạt động xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Với phương châm “Nước rút đến đâu, phải xử lý vệ sinh môi trường đến đó,” nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh, các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư y tế; thành lập các tổ cấp cứu, tổ xử lý dịch, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.
Tại các địa phương có địa bàn trũng thấp, ngập lụt cao, ngay sau khi nước rút, các đơn vị y tế phối hợp với chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Huyện Hạ Hòa là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Theo thống kê sơ bộ, đã có 2 người chết, 1 người bị thương; hơn 4.300 hộ dân phải di dời do ngập lụt và sạt lở đất; thiệt hại về cơ sở hạ tầng giáo dục, giao thông, thủy lợi và thiệt hại về nông nghiệp, chăn nuôi là rất lớn… Ước tính, tổng giá trị thiệt hại tại huyện Hạ Hòa là hơn 143 tỷ đồng.
Ngay sau khi nước sông Thao bắt đầu rút tại một số nơi, chính quyền địa phương Hạ Hòa cùng với lực lượng chức năng, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão lũ gây ra.
Bác sỹ chuyên khoa 2 Phan Quốc Hưng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa, cho biết đã thành lập 2 đội phối hợp với các xã, thị trấn phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng chống dịch bệnh. Các đội đã tiến hành phun khử khuẩn tại các điểm như trường học, trạm y tế, cơ quan, đơn vị, bãi tập kết rác… và những nơi có nguy cơ trên địa bàn để đảm bảo các hoạt động sớm quay trở lại bình thường. Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và các trang thiết bị, vật tư khác để thực hiện việc khử khuẩn, phục vụ phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Tại huyện Cẩm Khê, theo thống kê, toàn huyện có 786 hộ bị ảnh hưởng bởi nước lũ sông Thao dâng cao gây ngập úng. Huyện đã huy động hơn 500 người gồm các lực lượng như công an, quân sự, dân quân tự vệ, Trung tâm Y tế huyện cùng với người dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đường xá, giúp người dân ổn định cuộc sống sau lũ.
Khi nước bắt đầu rút, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê đã cử các tổ lưu động xuống trực tiếp cùng trạm y tế các xã, thị trấn và đến từng hộ dân để hỗ trợ xử lý môi trường; tập trung hướng dẫn các hộ dân từ khâu xử lý bùn đất đến khâu xử lý rác thải, xác súc vật, gia cầm chết; đồng thời cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất khử trùng tiêu độc cho các hộ dân xử lý môi trường sau khi nước rút.
Cùng với khẩn trương thực hiện vệ sinh môi trường, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh duy trì thường trực 24/24 giờ các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành sau mưa lũ. Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nếu xảy ra. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị mưa lũ triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trong và sau mưa bão, người dân cần chủ động bảo đảm vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thực hiện thay rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương. Nếu không có nước sạch, có thể sử dụng viên lọc nước hoặc các phương pháp khử trùng nước. Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống sôi, phòng tránh bệnh lây qua đường tiêu hóa… để phòng, tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình.
Vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phu-tho-trien-khai-cac-bien-phap-phong-dich-benh-sau-con-bao-so-3-post977000.vnp