Trong chương trình, cô Đào Thị Hồng Quyên, giáo viên được UNICEF lựa chọn cho chương trình “Tỏa sáng sức mạnh tri thức-POR” 2023 và cô Đặng Thị Thu Hà, tác giả sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 môn công nghệ lớp 8, 10 đã tập huấn cho hơn 100 giáo viên của các trường THCS trên địa bàn thành phố.

Chương trình tập huấn theo hai chuyên đề về quy trình nghiên cứu khoa học và quy trình thiết kế kỹ thuật. Học viên trong chương trình được thực hành các bài học hướng dẫn thực hành STEM, quy trình nghiên cứu khoa học và quy trình thiết kế kỹ thuật, áp dụng STEM với các bài học trong chương trình học, cách hướng dẫn học sinh tư duy theo hướng khoa học…

Các giáo viên thực hành STEM trong chương trình. 

Tham gia chương trình, cô Trịnh Thị Hải Yến, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Sông Lô cho rằng đây là hoạt động hữu ích bởi tính hữu dụng, thiết thực, gắn với thực tế giảng dạy. Sau chương trình, cô Yến hy vọng tham gia cộng đồng giáo dục STEM để triển khai các bài giảng trong quá trình dạy học tại trường.

Ông Phạm Đức Chiển, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Việt Trì đánh giá: Chương trình tập huấn giúp các cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức sâu sắc về bản chất của giáo dục STEM và vai trò của giáo dục STEM đối với đổi mới hình thức và phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; giúp các thầy, cô nắm được quy trình nghiên cứu khoa học, thiết kế kỹ thuật đối với các sản phẩm STEM, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn, góp phần triển khai hiệu quả cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

Bên cạnh đó, qua các nội dung thực hành, chương trình cũng cung cấp cho thầy cô kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục STEM, giao lưu chuyên môn, phát triển năng lực giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình thực hiện Dự án giáo dục STEM được UNICEF Việt Nam lựa chọn triển khai cho nhóm trẻ em dễ bị tổn thương do Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ và Liên minh STEM tổ chức.

Tại Phú Thọ, chương trình tập huấn theo 5 chuyên đề tại Phù Ninh, TP Việt Trì và thị xã Phú Thọ. Trong đó, nội dung tập huấn dành cho hiệu trưởng, hiệu phó và tổ trưởng chuyên môn là chuyên đề STEM dành cho cán bộ quản lý các trường THCS. Các giáo viên được tập huấn theo 4 chuyên đề liên quan quy trình toán, khoa học tự nhiên, tin học; quy trình thiết kế kỹ thuật; robotics và máy thông minh, trí tuệ nhân tạo; nghiên cứu khoa học.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, đại diện Liên minh STEM cho rằng: Phú Thọ còn giữ được văn hóa cộng đồng. Đây là điều kiện để triển khai giáo dục STEM rất tốt. Các thầy cô có thể tự tin về nguồn lực và nền tảng văn hóa xã hội của mình để triển khai giáo dục STEM với chi phí thấp, dễ, vui. Ngoài ra, với “người thầy” internet, chuyển đổi số giúp triển khai việc học, tự học rất dễ, liên tục cập nhật kinh nghiệm, mô hình hay trên thế giới. 

Tin, ảnh: MINH LONG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.