Trong những năm qua, du lịch Phú Thọ đã có bước phát triển khá, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng thế mạnh của một tỉnh được thiên nhiên và lịch sử văn hóa nước ta ưu đãi với nhiều di tích lịch sử và văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Phú Thọ.
Do đó, Phú thọ đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch vùng đất Tổ trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với phát triển du lịch cụ thể như tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, cộng đồng địa phương nhằm khuyến khích, vận động sự ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, của người nhân dân trong công tác phát triển du lịch, chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, mến khách.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Làm tốt công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai giữa các cấp, các ngành, địa phương với doanh nghiệp trong tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư và kinh doanh du lịch, dịch vụ nói riêng và công tác phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ nói chung. Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch và các tổ chức nghề nghiệp góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch phát triển; tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh du lịch dịch. Tập trung huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại trọng điểm.
Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch, các khu vực tiềm năng của tỉnh theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai một số dự án trọng điểm về du lịch, như: Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt tại các trung tâm du lịch, chú trọng đầu tư nguồn lực phấn đấu xây dựng Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; gắn kết các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh với các khu sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Tăng cường tranh thủ nguồn vốn phân bổ từ Trung ương để thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án gắn với phát triển du lịch. Tập trung huy động nguồn lực, thu hút các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ du lịch tại: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn; Khu du lịch Đầm Ao Châu; Khu du lịch Ao Giời – Suối Tiên; Khu đô thị, du lịch và dịch vụ khu vực Nam Đền Hùng, đường Nguyễn Tất Thành, đường Phù Đổng, Công viên Văn Lang; đầu tư khai thác du lịch ven sông Lô, sông Hồng; xây dựng Nhà biểu diễn Văn hóa Nghệ thuật tại Quảng trường Hùng Vương, tạo điểm nhấn về kiến trúc phục vụ khách du lịch tham quan và thưởng thức nghệ thuật. Khuyến khích thu hút đầu tư các khách sạn, các khu resort nghỉ dưỡng từ 3 – 5 sao, các trung tâm vui chơi giải trí cao cấp.
Xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển du lịch cụ thể nghiên cứu xây dựng và ban hành một số chính sách ưu đãi phát triển du lịch, như: Khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh, sản phẩm quà tặng lưu niệm.
Biểu diễn múa khèn dân tộc Mông tại các ngày hội lớn. Ảnh minh họa: baophutho.vn
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng cải cách hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, thương mại. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ hội đầu tư, triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ. Đẩy mạnh việc nghiên cứu xây dựng sản phẩm đặc thù của tỉnh có lợi thế cạnh tranh để thu hút khách du lịch gắn với việc khai thác, phát huy giá trị 02 Di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương ở Phú Thọ phục vụ hoạt động du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn, sản phẩm du lịch học đường… gắn với hoạt động du lịch phục vụ khách thăm quan trải nghiệm và mua sắm sản phẩm (tại thành phố Việt Trì, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Thanh Thủy, huyện Hạ Hòa).
Khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng ở một số địa phương có thế mạnh tiềm năng. Chú trọng xây dựng các điểm nhấn tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh để phục vụ du khách quay phim chụp ảnh; Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh, xây dựng các tour du lịch có sức thu hút hấp dẫn khách du lịch đến Phú Thọ. Nghiên cứu mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, từng điểm đến… Tăng cường tổ chức, đăng cai các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các lĩnh vực khác tại tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trong đó đẩy mạnh vai trò chỉ đạo và chất lượng công tác tham mưu của cơ quan quan lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các huyện, thành, thị. Tăng cường công tác tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, từng bước đạt mục tiêu phát triển du lịch đề ra. Nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chế quản lý các hoạt động du lịch, quản lý các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển du lịch…
Quản lý chặt chẽ và phát huy nguồn tài nguyên du lịch đảm bảo khai thác phát triển du lịch bền vững có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Tiếp tục xây dựng, phát triển các tài nguyên du lịch về văn hóa, tự nhiên có giá trị đặc sắc, mang đặc trưng vùng đất trung du và văn hóa Đất Tổ khai thác phục vụ du khách.
Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong đó xây dựng kế hoạch, đề án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Phú Thọ. Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch, nâng cao kỹ năng nghề du lịch, kỹ năng giao tiếp. Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và các chủ thể tham gia vào quá trình hoạt động du lịch trên địa bàn.
Liên kết, phối hợp đào tạo, đào tạo lại nghề du lịch giữa đơn vị kinh doanh du lịch và các trường đào tạo có chuyên ngành du lịch; chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên chuyên sâu về du lịch, thu hút giảng viên có kinh nghiệm về đào tạo giảng dạy chuyên ngành du lịch, bổ sung lực lượng giảng viên trình độ cao cho các khoa du lịch tại các cơ sở đào tạo.
Khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm đáp ứng với yêu cầu và xu hướng hội nhập quốc tế.
Về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch trong đó đổi mới hình thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin 4.0, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tổ.
Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của phát triển du lịch đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch tỉnh Phú Thọ, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú lại tỉnh. Xây dựng và thực hiện tốt các Chương trình xúc tiến du lịch hàng năm, duy trì hiệu quả hoạt động của quầy thông tin du lịch cố định và lưu động tại các khu, điểm du lịch, các hoạt động, sự kiện lớn của tỉnh.
Huy động, phát huy hơn nữa vai trò, nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch trong hoạt động quảng bá du lịch. Thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hà Nội và các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước.
Xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch.
Xây dựng môi trường văn hóa du lịch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng cư dân. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ, lành mạnh, không chèn ép, nâng giá. Tuyên truyền vận động và khuyến khích cộng đồng, nhân dân tham gia các hoạt động du lịch, thực hiện văn hóa ứng xử văn minh thân thiện, mến khách; đảm bảo môi trường văn hóa, văn minh, an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thu hút du khách và thu hút đầu tư phát triển du lịch./.
Vương Thanh Tú